Công nghệ nuôi cua lột, cua gạch trong hộp được thiết kế xếp chồng lên nhau, do đó hiệu suất sử dụng diện tích nuôi rất cao, tiết kiệm được tối đa diện tích sản xuất; lượng nước và năng lượng vận hành mô hình nuôi, chế độ chăm sóc, quản lý đơn giản và hoàn toàn chủ động thời điểm tạo ra cua gạch, cua lột đồng loạt đáp ứng cung cấp số lượng lớn sản phẩm ra thị trường tiêu dùng và xuất khẩu của địa phương.

Theo thiết kế, hộp nuôi cua có kích thước 26 x 32 x 30cm (DxRxC) được xếp nằm ngang, mỗi mét vuông có thể bố trí 12 hộp và được xếp chồng lên thành 8 tầng, tương đương 96 hộp/m2, mỗi hộp nuôi 1 con cua. Hệ thống hộp nuôi được chia làm 4 dãy tương đương mỗi dãy là 250 hộp, khoảng cách giữa mỗi dãy là 1m để bố trí lối đi. Tổng số hộp nuôi được lắp đặt là 500 hộp. Nguồn nước tuần hoàn trong hệ thống hộp nuôi được thiết kế một đầu vào và đầu ra ở đầu và cuối mỗi dãy nuôi. Ngoài ra, để đảm bảo hàm lượng oxy đầy đủ cho sự phát triển của cua cũng như sự phát triển của vi sinh hiếu khí trong hệ thống, một hệ thống cung cấp oxy được thiết để đảm bảo hàm lượng oxy cung cấp cho hệ thống đạt 9,3kg oxy/ngày.

Hộp nuôi cua trong hệ thống nuôi tuần hoàn

 

Qua đánh giá sơ bộ, mô hình bước đầu khá thành công. Đối với cua lột trong hộp nhựa, tỷ lệ sống đạt 85%, cua phát triển hai da đồng loạt phục vụ nhu cầu tiêu thụ nội địa, xuất khẩu, tăng 30-50% trọng lượng cơ thể sau mỗi lần lột xác; cua phế ít giá trị (gãy càng, chân, dập mo) sau mỗi lần lột đều trở thành cua thương phẩm có giá trị kinh tế, năng suất đạt 4.000 kg/ha. Đối với cua gạch trong hộp nhựa, tỷ lệ sống đạt 85%, tỷ lệ lên gạch đạt 70%, năng suất đạt 4.500 kg/ha; cua lên gạch đồng loạt phục vụ tiêu thụ nội địa và xuất khẩu, cua óp ít giá trị được nuôi thành cua chắc, cua gạch có giá trị; tạo nguồn cua trứng chủ động cho sản xuất giống nhân tạo.

Việc triển khai mô hình đã góp phần đưa một đối tượng nuôi có giá trị kinh tế cao vào sản xuất, thúc đẩy nghề nuôi trồng thuỷ sản trong thành phố phát triển. Thông qua xây dựng mô hình ứng dụng quy trình công nghệ giúp đa dạng hóa đối tượng, nâng cao thu nhập cho các hộ ngư dân vùng ven biển và các lao động dư thừa tại Hải Phòng.

Nguyễn Hương Giang

Trung tâm Khuyến nông Hải Phòng