Trong chăn nuôi gia súc lớn việc áp dụng kỹ thuật vỗ béo trước khi xuất bán thịt cho năng suất và chất lượng sản phẩm cao, phát huy được hết tiềm năng di truyền và làm tăng hiệu quả kinh tế ít nhất từ 10-15% so với chăn nuôi truyền thống. Xây dựng mô hình vỗ béo bò thịt trong nông hộ hiện nay phù hợp với chiến lược phát triển chăn nuôi đến năm 2020 của Chính phủ và chủ trương tái cơ cấu của ngành nhằm nâng cao giá trị sản xuất.


Dự án “Xây dựng mô hình cải tạo chất lượng đàn bò địa phương bằng kỹ thuật thụ tinh nhân tạo và vỗ béo bò trong nông hộ” do Trung tâm Khuyến nông Quốc gia chủ trì, phối hợp với các đơn vị triển khai với mục tiêu áp dụng các tiến bộ kỹ thuật trong chăn nuôi, đổi mới quy trình công nghệ nhằm chuyển từ chăn nuôi bò quảng canh, phân tán sang chăn nuôi thâm canh tạo hàng hoá, tăng năng suất và chất lượng, nâng cao hiệu quả kinh tế, tạo việc làm và cải thiện đời sống cho người dân, góp phần chuyển đổi cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nông thôn và bảo vệ môi trường đang khẳng định đây là một hướng đi đúng đem lại hiệu quả kinh tế cao, thúc đẩy phong trào chăn nuôi trâu, bò thịt ở hầu hết các huyện trong tỉnh, góp phần thay đổi diện mạo nông thôn.  Vĩnh phúc là một trong 10 tỉnh tham gia phối hợp thực hiện dự án.

 

Đoàn kiểm tra mô hình cải tạo chất lượng đàn bò địa phương bằng kỹ thuật thụ tinh nhân tạo và vỗ béo bò

trong nông hộ tại Vạn Thắng - Đồng Thịnh - Sông Lô - tỉnh Vĩnh Phúc.


Chăn nuôi trâu, bò ở Vĩnh Phúc là một nghề truyền thống đã có từ lâu đời. Tuy nhiên, chăn nuôi còn phân tán, nhỏ lẻ, ít áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật về giống, thức ăn, các quy trình chăn nuôi… nên hiệu quả còn thấp, chưa tương xứng với tiềm năng và khả năng cạnh tranh của sản phẩm trên thị trường. Hiện nay bò được nuôi hầu hết ở các địa phương trong tỉnh, nhưng bò thịt được nuôi tập trung ở các huyện Vĩnh Tường, Yên Lạc, Sông Lô, Lập Thạch chiếm 62,5% tổng đàn bò.


Trên địa bàn tỉnh Vĩnh phúc, Dự án đã xây dựng 01 mô hình trình diễn với 2 điểm trình diễn, quy mô 160 con. Tuy dự án mới triển khai từ tháng 6 đến nay, nhưng qua thống kê đánh giá của chủ nhiệm dự án và đơn vị phối hợp thực hiện đã có 130 lượt người trong và ngoài mô hình tập huấn kỹ thuật vỗ béo bò thịt, sau khi được tham gia tập huấn các hộ đã biết áp dụng những kiến thức đã học vào thực tế chăn nuôi tại gia đình như: Cách tẩy nội, ngoại ký sinh trùng, cho ăn thức ăn hỗn hợp hoàn chỉnh kết hợp thức ăn thô xanh, cách trồng và ủ chua thức ăn xanh.. nên đàn bò khỏe mạnh, lớn nhanh, tăng trọng bình quân 750 g/con/ngày, tăng hiệu của kinh tế của các hộ tham gia dự án từ 13 -15% so với trước.


Để có được những kết quả trên, ngoài sự cố gắng của bà con nông dân, chương trình dự án đã hỗ trợ 50% thuốc tẩy ký sinh trùng, 50% thức ăn hỗn hợp hoàn chỉnh và đặc biệt là cán bộ chỉ đạo kỹ thuật tận tình hướng dẫn trong suốt 4 tháng triển khai dự án.

 

 

Tập huấn kỹ thuật cho các hộ dân tham gia mô hình tại
xã Hướng Đạo, Đồng Thịnh

 

 

Thức ăn cung ứng và sử dụng xây dựng mô hình năm 2014


Đến thăm hộ anh Trần Văn Thạch thôn Vạn Thắng xã Đồng Thịnh huyện Sông Lô, chúng tôi được tận mắt nhìn đàn bò đang trong giai đoạn vỗ béo chuẩn bị xuất bán. Dãy chuồng được thiết kế xây dựng đơn giản nhưng khá sạch sẽ, thoáng mát và có bể biogas để xử lý chất thải. Trước đây anh chỉ nuôi 1-2 con chăn thả tranh thủ lúc nông nhàn, nhưng từ khi được tham gia dự án, học được tiến bộ kỹ thuật mới và thực sự có hiệu quả nên anh đã quyết định đầu tư mở rộng quy mô, hiện anh duy trì nuôi từ 6 đến 8 con. Anh thường mua bò lai F1 hoặc F2 để vỗ béo, như thời điểm hiện nay một con bò mua giá 23 triệu đồng, sau 3 tháng vỗ béo sẽ bán được trung bình 30 triệu đồng, cá biệt có con bán 35-40 triệu đồng, trừ chi phí lãi 3 triệu đồng. Anh cho rằng, vốn đầu tư nuôi bò lớn nhưng ít rủi ro, lãi cao hơn nhiều vật nuôi khác. Nuôi nhốt như hiện nay, chỉ cần một người vẫn chăm sóc được khoảng 20 con bò mà vẫn dư thời gian để làm việc khác. Kỹ thuật áp dụng rất đơn giản và phù hợp với hầu hết các hộ chăn nuôi. Ngoài cám, các phụ phẩm sẵn có như ngô, đỗ, cỏ, rơm được tận dụng làm thức ăn cho bò, vừa giảm chi phí lại mang lại hiệu quả kinh tế cao.


Chăn nuôi theo hướng sản xuất hàng hóa là một ngành chịu nhiều yếu tố rủi ro (thiên tai, dịch bệnh, thị trường...), nhưng những gì mà Dự án “Xây dựng mô hình cải tạo chất lượng đàn bò địa phương bằng kỹ thuật thụ tinh nhân tạo và vỗ béo bò trong nông hộ” triển khai tại Vĩnh Phúc đạt được đã khẳng định. Chăn nuôi là nghề đem lại lợi nhuận cho người dân, mang lại giá trị kinh tế - xã hội lớn khi biết tổ chức sản xuất tốt, nắm bắt được tâm lý của người chăn nuôi và nhu cầu thị trường. Chủ trương đưa chăn nuôi trở thành mũi nhọn trong phát triển nông nghiệp của Vĩnh Phúc là hướng đi đúng, hy vọng sẽ thu được những thành công mới trong thời gian tới.

 

 Mộc Lan - TTKNQG