Mô hình vỗ béo bò thịt trong nông hộ tại xã Phú Cường - huyện Tân Lạc - Hòa Bình

Hòa Bình là tỉnh miền núi với diện tích đất phần lớn là đất đồi rừng, có nhiều bãi chăn thả, nguồn thức ăn trong tự nhiên dồi dào nên thuận tiện cho việc chăn thả gia súc. Chăn nuôi trâu bò sinh sản và nuôi thịt là một trong những nghề truyền thống của người dân trong tỉnh. Tuy nhiên, quy mô chăn nuôi còn nhỏ lẻ, chưa tập trung, người chăn nuôi ít áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật về giống, các quy trình kỹ thuật chăn nuôi, lợi dụng thức ăn sẵn có trong tự nhiên là chính… nên việc vỗ béo bò thịt hầu như không có. Do vậy đã làm giảm hiệu quả chăn nuôi, tạo ra sản phẩm có chất lượng chưa cao, giảm hiệu quả kinh tế, từ đó làm cho nghề chăn nuôi bò phát triển không tương xứng với tiềm năng và khả năng cạnh tranh của sản phẩm trên thị trường.

Với mục tiêu giúp bà con nông dân thực hiện tốt công đoạn vỗ béo, chuyển giao các tiến bộ kỹ thuật trong chăn nuôi đại gia súc, nhằm chuyển từ chăn nuôi trâu bò quảng canh, phân tán sang chăn nuôi trâu bò thâm canh tạo hàng hóa, tăng năng suất và chất lượng, nâng cao hiệu quả kinh tế, góp phần chuyển đổi cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nông thôn, bảo vệ môi trường, góp phần xây dựng nông thôn mới, trong năm 2015, được sự hỗ trợ của Trung tâm Khuyến nông Quốc gia, Trung tâm Khuyến nông Khuyến ngư Hòa Bình đã thực hiện Dự án “Xây dựng mô hình cải tạo chất lượng đàn bò địa phương bằng kỹ thuật thụ tinh nhân tạo và vỗ béo bò trong nông hộ”. Mô hình được triển khai tại 2 xã Cao Dương - huyện Lương Sơn và xã Phú Cường - huyện Tân Lạc với quy mô 160 con bò/73 hộ nông dân tham gia. Thời gian thực hiện từ tháng 6 - 10 năm 2015. Mô hình được đánh giá cao, làm tiền đề cho việc phát triển kinh tế nông hộ, tạo hướng đi mới cho bà con nông dân Hòa Bình.

Trong quá trình triển khai, cán bộ kỹ thuật Trung tâm Khuyến nông Khuyến ngư Hòa Bình đã tiến hành tập huấn, chuyển giao cho nông dân 1 số kỹ thuật như: Kỹ thuật chăn nuôi bò thịt, sản xuất và chế biến một số loại thức ăn nuôi bò, kỹ thuật vỗ béo bò, phòng và trị một số bệnh thường gặp đối với bò, quản lý đàn bò và cách tính hiệu quả kinh tế.

Sau khi được tham gia tập huấn các hộ đã biết áp dụng những kiến thức đã học vào thực tế chăn nuôi tại gia đình. Kết quả, sau 3 tháng thực hiện chăn nuôi bằng cách cho ăn thức ăn hỗn hợp kết hợp thức ăn thô xanh, chăm sóc theo các biện pháp kỹ thuật đã được hướng dẫn và đặc biệt là cán bộ chỉ đạo kỹ thuật tận tình hướng dẫn trong suốt thời gian triển khai mô hình nên đàn bò được vỗ béo khỏe mạnh, phát triển tốt. Tăng trọng bình quân của đàn bò tại 2 xã là 718,67 g/con/ngày, trong khi đó yêu cầu của dự án tăng trọng bình quân 700 g/con/ngày. Như vây, mô hình đạt và vượt chỉ tiêu dự án đề ra. Hiệu quả kinh tế trừ chi phí thuốc thú y, thức ăn, mỗi con bò đem lại thu nhập cho mỗi hộ khoảng 2,8 triệu đồng/con. Tăng hiệu quả kinh tế lớn hơn 15% so với hộ ngoài mô hình.

Ông Nguyễn Văn Tài, thôn Om Làng - xã Cao Dương - huyện Lương Sơn, cho biết: Gia đình ông thường xuyên duy trì nuôi từ 6 - 7 con bò, nhưng thường chăn nuôi theo phương pháp cổ truyền, chủ yếu là chăn thả, chưa có kỹ thuật chăn nuôi nên đàn bò phát triển chậm và gầy yếu. Từ khi tham gia dự án, thực hiện nuôi vỗ béo theo kỹ thuật được hướng dẫn, đàn bò đều tăng trưởng tốt, con nào cũng béo tốt, lông bóng mượt, hiệu quả kinh tế tăng lên rõ rệt. Trung bình 1 con bò có trọng lượng 220 - 250 kg sau 3 tháng nuôi vỗ béo, trừ mọi chi phí, xuất bán thu lãi được từ 2,5 - 3 triệu đồng/con. Nuôi nhốt chuồng vừa phòng bệnh được cho đàn bò vừa đem lại nguồn phân bón rất tốt cho cây trồng. Mong muốn mô hình sẽ được nhân rộng để đem lại hiệu quả kinh tế cao hơn, góp phần xóa đói giảm nghèo cho nhân dân.

Thanh Hằng

Trung tâm KNKN Hòa Bình