Quy mô thực hiện là 620 con bò vỗ béo, trong đó, tại Hòa Bình: 160 con, tại Nam Định: 180 con, thành phố Hà Nội: 180 con, Vĩnh Phúc: 100 con. 60 hộ dân tham gia mô hình được tập huấn kỹ thuật, hỗ trợ thức ăn hỗn hợp chuyên sử dụng vỗ béo bò thịt, thuốc thú y, chế phẩm sinh học và nguyên liệu làm đệm lót.

Năm 2021, dự án được triển khai tại 4 tỉnh

 

Trong quá trình thực hiện, cán bộ kỹ thuật đã hướng dẫn chủ hộ cách sử dụng thức ăn cho đàn bò theo từng giai đoạn phát triển. Thức ăn tinh do dự án hỗ trợ là thức ăn hỗn hợp hoàn chỉnh đã được cân đối khẩu phần dinh dưỡng đầy đủ nhằm giúp các hộ làm quen với hình thức vỗ béo. Tuy nhiên, mục đích lâu dài của dự án vẫn khuyến khích các hộ tận dụng nguyên liệu địa phương, kết hợp cho ăn các loại phụ phẩm nông nghiệp qua chế biến, ủ chua góp phần cân đối hàm lượng dinh dưỡng trong khẩu phần vật nuôi, và hạ giá thành sản phẩm nên cán bộ dự án đã hướng dẫn các hộ công thức phối trộn thức ăn cho bò vỗ béo, để áp dụng với các loại nguyên liệu sẵn có phù hợp với từng địa phương. Theo kết quả tổng kết, cho vật nuôi ăn với khẩu phần vỗ béo thì hiệu quả sử dụng thức ăn tăng lên đáng kể, khả năng tăng khối lượng cơ thể trung bình 898,3 g/con/ngày.

Ngoài ra, so với hình thức nuôi bò thịt truyền thống, phương thức chăn nuôi trên nền đệm lót sinh học đã góp phần cải thiện chất lượng chăn nuôi, ngăn chặn sự phát triển của dịch bệnh, giảm đáng kể sự ô nhiễm môi trường, đồng thời xử lý được lượng chất thải chăn nuôi và tái sử dụng chất thải, định hướng tới kinh tế tuần hoàn trong chăn nuôi.

Các hoạt động của dự án bước đầu làm thay đổi nhận thức của người dân địa phương trong việc chăm sóc, quản lý đàn gia súc, kỹ thuật xây dựng chuồng trại, công tác chọn giống, vệ sinh thú y theo tiêu chuẩn chăn nuôi an toàn sinh học, kỹ thuật chăn nuôi trên nền đệm lót, kỹ thuật sản xuất phân hữu cơ. Dự án đã tổ chức được 07 lớp tập huấn nhân rộng mô hình với 140 học viên tham gia. Tổ chức 01 cuộc hội thảo lan rộng dự án với 50 đại biểu là nông dân cùng các cấp chính quyền địa phương nơi triển khai dự án.

Mô hình vỗ béo bò thịt và xử lý môi trường bằng chế phẩm sinh học triển khai được đánh giá là khá phù hợp với xu hướng phát triển chăn nuôi bền vững, đáp ứng tối đa nhu cầu của người nông dân về hoạt động chăn nuôi sạch, an toàn, giảm lượng chất thải ra môi trường, giúp cải thiện môi trường nông thôn./.

Dự án bước đầu làm thay đổi nhận thức của người dân địa phương về chăn nuôi ATSH và bảo vệ môi trường

Thanh Hằng

Trung tâm Khuyến nông Hòa Bình