Trong khi hiện nay, ngành công nghiệp chế biến gỗ xẻ đóng đồ gia dụng và mỹ nghệ đang phát triển với tốc độ rất nhanh nhưng khả năng cung cấp gỗ từ rừng tự nhiên ngày càng giảm. Trồng rừng sản xuất thâm canh gỗ lớn đang trở thành một chủ trương lớn vừa đáp ứng được nguyện vọng của những người làm nghề rừng và các cơ sở chế biến gỗ ở địa phương vừa là giải pháp cần thiết để thực hiện chiến lược nâng cao giá trị gia tăng phát triển ngành lâm nghiệp.

Năm 2016 được sự quan tâm, hỗ trợ của Trung tâm Khuyến nông Quốc gia, Trung tâm Khuyến nông Hòa Bình triển khai dự án “Xây dựng và phát triển mô hình áp dụng đồng bộ các tiến bộ kỹ thuật trồng rừng gỗ lớn mọc nhanh”.

Tử Nê và Phú Vinh là 2 xã của huyện Tân Lạc được lựa chọn thực hiện dự án, với quy mô 38 ha, có 20 hộ gia đình tham gia. Mục tiêu của dự án là đưa những giống keo lai mô vào trồng thâm canh cây gỗ lớn, đồng thời áp dụng đồng bộ tiến bộ kỹ thuật từ khâu chọn điều kiện lập địa, giống, xử lý thực bì, làm đất, cuốc hố, bón lót, trồng, chăm sóc và tỉa thưa để tạo thành rừng gỗ lớn nên thông qua việc thực hiện dự án đã giúp bà con nông dân thay đổi nếp nghĩ, cách làm, tập quán sản xuất, góp phần thực hiện đề án tái cơ cấu ngành lâm nghiệp, nâng cao năng suất và chất lượng rừng trồng; tạo việc làm, tăng thu nhập cho người trồng rừng. Đồng thời tạo nguồn nguyên liệu cho ngành công nghiệp gỗ ở tỉnh Hòa Bình nói riêng và cả nước nói chung.

Theo ông Dương Ngọc Tú, Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Hòa Bình: Trong quá trình triển khai thực hiện dự án, Trung tâm đã phối hợp với các địa phương lựa chọn các hộ có đủ điều kiện về đất đai, lao động, kinh phí và tình nguyện tham gia thực hiện mô hình. Cùng với đó là cử cán bộ kỹ thuật trực tiếp tham gia chỉ đạo phát triển mô hình. Các gia đình tham gia dự án được hỗ trợ cây giống (gồm các giống keo lai mô BV10, BV16, BV32), phân bón, tập huấn kỹ thuật canh tác. Ngoài học lý thuyết trên lớp, các học viên còn được thực hành ngoài hiện trường, vì vậy hầu hết các hộ nông dân đã nắm bắt và tuân thủ thực hiện theo đúng quy trình kỹ thuật áp dụng đồng bộ từ khâu phát dọn thực bì, đào hố, lấp hố, bón lót và kỹ thuật trồng, chăm sóc cây...   

Trong suốt quá trình thực hiện, với sự tham gia nhiệt tình của các hộ, sự ủng hộ chỉ đạo của UBND xã, kết quả bước đầu cho thấy mô hình phù hợp với điều kiện tự nhiên của địa phương. Tỷ lệ cây sống đạt 96- 97%; Cây sinh trưởng phát triển khỏe mạnh gấp 1,5 lần giống keo cũ tại địa phương.


Kiểm tra sự sinh trưởng, phát triển của cây

Ông Quách Văn Hạt, chủ tịch UBND xã Tử Nê, huyện Tân Lạc cho biết: Việc sử dụng các dòng keo lai vào trồng rừng ở địa phương đang còn hạn chế. Người dân chưa tiếp cận được các nguồn giống mới chất lượng cao, chưa áp dụng khoa học kỹ thuật nên hiệu quả mang lại không cao. Vì vậy, dự án “Xây dựng và phát triển mô hình áp dụng đồng bộ các tiến bộ kỹ thuật trồng rừng gỗ lớn mọc nhanh” được triển khai đã tạo cơ hội cho người dân được tiếp cận, làm quen với khoa học kỹ thuật mới, giúp nhận thức của bà con nông dân cũng như chính quyền địa phương trong việc áp dụng đồng bộ các TBKT, sử dụng những giống keo lai mới, trong công tác chỉ đạo và kế hoạch phát triển lâm nghiệp của cơ sở. Từ đó khuyến khích người dân mạnh dạn áp dụng giống bảo đảm chất lượng, kỹ thuật đồng bộ trong trồng rừng lấy gỗ nói chung và trồng rừng lấy gỗ lớn nói riêng nhằm nâng cao được giá trị của sản phẩm lâm nghiệp trên cùng một diện tích và người sản xuất chủ động đầu tư vốn và áp dụng tiến bộ kỹ thuật mới vào sản xuất trên đất rừng để tăng hiệu quả kinh tế.

Đến thăm mô hình trồng cây keo lai của gia đình ông Bùi Văn Dềnh, xóm Bin, xã Tử Nê (Tân Lạc) chúng tôi thấy trên quả đồi với diện tích khoảng 1,6 ha phủ kín một màu xanh mướt.

Ông Dềnh phấn khởi cho biết: “Ban đầu, khi tham gia dự án, gia đình tôi cũng như các hộ dân khác trong xóm không khỏi băn khoăn, e ngại về hiệu quả của cây trồng mới này. Tuy nhiên, sau 8 tháng bắt tay vào sản xuất, đến nay cây keo đang trong thời kỳ sinh trưởng, phát triển tốt, chiều cao cây trung bình đạt 2 - 2,5m; đường kính gốc từ 4 - 5cm. Chúng tôi rất yên tâm và kỳ vọng sẽ mang lại nguồn thu nhập đáng kể, góp phần cải thiện đời sống cho gia đình”.

Chỉ tay về phía dẻo đồi xanh mướt, ông Bùi Văn Hung, xóm Bin, xã Tử Nê (Tân Lạc) phấn khởi khoe hơn 1 ha rừng trồng keo đang độ sinh trưởng và phát triển tốt. “Trước đây gia đình tôi cũng trồng các loại cây gỗ nhỏ, ngắn ngày nhưng hiệu quả mang lại rất thấp. Nhờ dự án trồng cây gỗ lớn mọc nhanh hỗ trợ giống, phân bón. Đặc biệt, sau thời gian trồng thấy cây sinh trưởng phát triển tốt, cán bộ dự án nhiệt tình hướng dẫn kỹ thuật canh tác, chúng tôi thấy được đây là cây trồng gỗ lớn cho năng suất và giá trị cao gấp nhiều lần so với các loại cây trồng cũ nên rất yên tâm. Hy vọng cuộc sống sẽ thay đổi nhờ cây trồng này”. Ông Hung chia sẻ.

Từ kết quả bước đầu của dự án trồng rừng gỗ lớn mọc nhanh tại xã Tử Nê và Phú Vinh - huyện Tân Lạc - tỉnh Hòa Bình đang dần làm thay đổi nếp nghĩ, cách làm của người dân, góp phần thúc đẩy sản xuất lâm nghiệp phát triển bền vững, mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Thanh Hằng

Trung tâm Khuyến nông Hòa Bình