Đối tượng tôm sú mặc dù năng suất thấp nhưng với ưu thế lớn về diện tích nuôi, có thể nuôi ở nhiều hình thức từ nuôi kết hợp, xen canh, quảng canh, bán thâm canh, tới thâm canh nên vẫn chiếm tỷ trọng lớn trong cơ cấu nuôi trồng thủy sản. Mặc dù vậy, do sự hiểu biết về kỹ thuật người nuôi vẫn còn thấp, nhiều ứng dụng tiến bộ kỹ thuật nuôi như sử dụng chế phẩm sinh học thay thế thuốc hóa chất, áp dụng quy phạm VietGAP chưa được phổ biến… dẫn đến tình hình dịch bệnh xảy ra nhiều nơi và có diễn biến phức tạp. Bên cạnh đó nhiều lô hàng sản phẩm tôm xuất khẩu nhiễm kháng sinh bị từ chối nhập khẩu gây thiệt hại hàng triệu USD. Vì vậy, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã phê duyệt dự án “Xây dựng mô hình nuôi tôm sú, bán thâm canh đảm bảo an toàn thực phẩm” giai đoạn 2017-2019.

Năm 2017 là năm đầu tiên thực hiện dự án với 6 mô hình, quy mô 5 ha/mô hình tại 6 tỉnh: Hải Phòng, Thái Bình, Thừa Thiên Huế, Khánh Hòa, Bạc Liêu và Trà Vinh. Đến cuối tháng 9/2017 đã có 4/6 mô hình (Hải Phòng, Thái Bình, TT-Huế, Khánh Hòa) đã tiến hành thu hoạch. Năng suất vùng trong và cao triều đạt 2,2 tấn/ha; vùng hạ triều năng suất 1,4 tấn ha. Mô hình tại Trà Vinh, Bạc Liêu chưa tiến hành thu hoạch những đều đạt cỡ xấp xỉ 60 con/kg. Kết quả của dự án cho thấy năng suất tôm nuôi vùng trong, cao triều đã tăng từ 1,5 tấn/ha lên 2,2 tấn/ha, vùng hạ triều tăng từ năng suất 500-700 kg/ha lên 1,4 tấn/ha.

Lợi nhuận của các mô hình bước đầu hạch toán đạt bình quân 200 triệu/ha. Các mô hình đều tiến hành ghi chép sổ nhật ký theo VietGAP, người dân tham gia xây dựng mô hình được tập huấn kỹ thuật nuôi tôm sú, đảm bảo an toàn thực phẩm. Kết thúc mô hình đã được ban đánh giá an toàn thực phẩm đánh giá phù hợp VietGAP và quy chuẩn vùng nuôi tôm nược lợ hiện hành.

Để nhân rộng mô hình trên, ngày 29/9/2017, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia đã phối hợp với Trung tâm Khuyến nông Thừa Thiên Huế tổ chức hội thảo nhân rộng mô hình nuôi tôm nước lợ, đảm bảo an toàn thực phẩm. Đến dự hội thảo có trên 60 đại biểu là các nông ngư dân tiêu biểu về nuôi trồng thủy sản, cán bộ kỹ thuật, các chuyên gia, cơ quan quản lý nhà nước thuộc các tỉnh tham gia dự án.

Tại hội thảo, các đại biểu đã trao đổi và thảo luận những kết quả đạt được của mô hình, những kỹ thuật được áp dụng giúp tôm phát triển, hạn chế được dịch bệnh nhưng vẫn đảm bảo an toàn thực phẩm. Cũng tại hội thảo, nông dân đã được giới thiệu quy trình nuôi tôm sú mới hiện đang được áp dụng hiệu quả...

Qua hội thảo cho thấy sự thành công bước đầu của các mô hình nuôi tôm sú bán thâm canh đảm bảo an toàn thực phẩm có khả năng nhân rộng cao do phù hợp nguồn lực đầu tư, tập quán canh tác của đại bộ phận người dân nuôi tôm hiện nay. Mô hình thể hiện vai trò quan trọng của hoạt động khuyến nông, khuyến ngư trong việc thực hiện những chỉ tiêu phát triển của Ngành Nông nghiệp, đồng thời là căn cứ để các cơ quan chuyên môn đề xuất những chính sách phù hợp hơn với thực tế sản xuất.

Hội thảo nhân rộng mô hình tại Thừa Thiên Huế

Lê Ngọc Quân 

Trung tâm Khuyến nông Quốc gia