Tham dự hội thảo có đại diện Vụ Nuôi trồng thủy sản (Tổng cục Thủy sản), đại diện lãnh đạo Sở Nông nghiệp và PTNT Thái Bình, lãnh đạo và chuyên viên của 11 trung tâm khuyến nông các tỉnh từ Hà Tĩnh trở ra, cùng các nông ngư dân, công ty cung cấp giống, thức ăn trong nuôi trồng thủy sản.

Năm 2016, dự án xây dựng mô hình tại 5 tỉnh: Bắc Giang, Quảng Ninh, Hải Phòng, Thanh Hóa, Nghệ An. Kết quả, mô hình đã vượt chỉ tiêu kế hoạch đề ra, tỷ lệ sống 79,8%, năng suất đạt 17,2 tấn/ha, kích cỡ thu hoạch đạt trung bình 720 gr/con. Ngoài ra, các hộ nuôi còn tận dụng thả thêm tôm thẻ chân trắng vào trong ao nuôi và đạt năng suất 700 kg/ha/vụ. Do đó, lợi nhuận mô hình đạt 149,316 triệu đồng/ha/vụ, cao hơn so với chỉ nuôi cá rô phi và cá mè (gần 94 triệu đồng/ha).

Năm 2017, dự án tiếp tục triển khai tại 7 tỉnh: Bắc Giang, Quảng Ninh, Hải Phòng, Thái Bình, Thanh Hóa, Nghệ An và Hà Tĩnh. Với mật độ thả 3 con/m2, hệ số thức ăn 1,4, các mô hình cho kết quả tốt. Tỷ lệ sống là 74,9%, năng suất đạt 16,7 tấn/ha, kích cỡ thu hoạch đạt trung bình 750gr/con.

Trải qua 2 năm xây dựng mô hình, với các kết quả khả quan đã đạt được - mỗi mô hình triển khai cho lợi nhuận trên 90 triệu đồng/ha, Dự án đã tác động tích cực đến người nuôi thủy sản nước ngọt nói chung và nuôi cá rô phi tại các tỉnh miền Bắc nói riêng. Đặc biệt, một số hộ dân còn mạnh dạn đầu tư thả xen ghép tôm thẻ chân trắng mang lại lợi nhuận tăng thêm trên 30 triệu đồng/ha mà không phải đầu tư thêm thức ăn. 

Tại hội thảo, các đại biểu đã trao đổi, chia sẻ nhiều nội dung liên quan đến kỹ thuật nuôi cá rô phi theo VietGAP, sử dụng chế phẩm sinh học, sử dụng thức ăn, nuôi ghép các đối tượng, phòng trị bệnh, liên kết doanh nghiệp, đặc biệt quan tâm nhất là vấn đề thị trường đầu ra cho sản phẩm cá rô phi.

 

Qua ý kiến của các đại biểu tham dự Hội thảo, ông Kim Văn Tiêu - Phó giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia- Chủ nhiệm dự án đề xuất:

 Bộ nông nghiệp và Phát triển nông thôn nghiên cứu sản xuất giống cá rô phi có tính kháng bệnh cao, nhanh lớn, hạ giá thành để tăng hiệu quả nuôi cho nông dân  quản lý tốt chế phẩm sinh học, chất xử lý cải tạo môi trường; tổ chức lại sản xuất gắn với thị trường để đảm bảo đầu ra bền vững;

Trung tâm Khuyến nông các tỉnh, doanh nghiệp: tiếp tục xây dựng mô hình có hiệu quả, tổ chức đào tạo tập huấn, thông tin tuyên truyền an toàn vệ sinh thực phẩm cho bà con học tập và làm theo với phương châm 1 người làm, ngàn người biết, hàng trăm hộ học tập, làm theo. Bà con nông ngư dân tích cực tham quan, học hỏi các mô hình hiệu quả và rút kinh nghiệm để triển khai các mô hình của gia đình; Chuẩn bị đầy đủ vật chất và kỹ thuật để triển khai; thực hiện từ nhỏ đến lớn; ghi chép nhật ký đầy đủ để cơ quan chức năng truy xuất được nguồn gốc giống, vật tư, hạch toán kinh tế, rút kinh nghiệm cho vụ sau. 

 

Các đại biểu thăm quan mô hình nuôi cá rô phi theo VietGAP gắn với tiêu thụ sản phẩm

Tăng Mỹ Trang

Trung tâm Khuyến nông Quốc gia