Xiêng Khoảng là tỉnh thuộc miền Trung nước CHDCND Lào với địa hình chủ yếu là đồi núi, độ cao trung bình 1.200 m so với mặt nước biển, có diện tích tự nhiên 15.880 km². Diện tích rộng lớn và điều kiện tự nhiên thuận lợi cho việc chăn thả và trồng cỏ để phát triển chăn nuôi gia súc nói chung và chăn nuôi bò nói riêng. Hiện nay, toàn tỉnh Xiêng Khoảng có tổng quy mô đàn bò 132.000 con. Tuy nhiên, chất lượng đàn giống không cao, khối lượng bò trưởng thành bình quân con đực chỉ khoảng 200 kg/con, con cái 150 kg/con. Nguyên nhân do tập quán thả rông, không có kiểm soát về giống, không chọn tạo đàn cái nền và đực giống mà chủ yếu cho giao phối tự nhiên trong đàn, dẫn đến hiện tượng cận huyết làm chất lượng đàn giống ngày càng suy giảm. Để góp phần giúp tỉnh Xiêng Khoảng nâng cao hiệu quả chăn nuôi bò, đồng thời giúp cải tạo thể vóc và năng suất của giống bò địa phương. Trung tâm Khuyến nông Quốc gia đã triển khai xây dựng mô hình cải tạo đàn bò tại Bản Khăng Nhao, huyện Paek, tỉnh Xiêng Khoảng.

Ngày 4/5/2016, đại diện Trung tâm Khuyến nông Quốc gia đã bàn giao 8 con bò cái sinh sản, 2 con bò đực và các loại vật tư khác như thức ăn tinh, vắc-xin, hóa chất sát trùng, thuốc tẩy nội - ngoại ký sinh trùng, bạt che chuồng trại, cỏ giống VA06, phân NPK để trồng cỏ cho 5 hộ tham gia mô hình. Giống và vật tư cấp cho mô hình đều có nguồn gốc rõ ràng, đảm bảo chất lượng, đáp ứng các yêu cầu kỹ thuật của mô hình. Bò giống hỗ trợ là giống bò lai Sind có thể vóc to lớn, đã được kiểm định chất lượng, được tiêm phòng và kiểm dịch bởi cơ quan kiểm dịch của Cục Thú y (Bộ Nông nghiệp và PTNT Việt Nam).

Tập huấn nâng cao năng lực cho cán bộ khuyến nông, nông dân chủ chốt tỉnh Xiêng Khoảng

 Hiện nay, đàn bò thích nghi tốt với điều kiện của địa phương, phát triển tốt, bò đực đã phối giống có chửa được 13 con bò cái trong và ngoài mô hình; có 8/8 bò cái động dục, 6/8 con có chửa. Số còn lại đã phối giống đang theo dõi kết quả. Đã có 01 bò mẹ sinh bê con có khối lượng sơ sinh trên 20 kg.

Với 2.000 kg hom cỏ giống VA06 được dự án cấp ban đầu được các hộ trồng trên diện tích 0,3 ha. Đến nay đã thu hoạch lứa 2, năng suất 30 tấn/0,3 ha. Dự kiến, năng suất ổn định sẽ đạt 30 - 35 tấn/năm (tương đương 300 - 350 tấn/ha). Hiện tại mô hình đã nhân rộng được 4,3 ha.

Ngoài xây dựng mô hình trình diễn, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia còn tổ chức 1 lớp tập huấn TOT nhằm nâng cao năng lực quản lý, phương pháp tổ chức thực hiện hoạt động khuyến nông cho cán bộ khuyến nông, cán bộ chăn nuôi thú y của Sở Nông Lâm nghiệp Xiêng Khoảng, các huyện trong tỉnh, cán bộ cụm bản, bản và nông dân chủ chốt. Nội dung tập huấn tập trung vào các chuyên đề chính như kỹ thuật chọn giống bò thông qua ngoại hình; Cách xác định khối lượng cơ thể đại gia súc; Kỹ thuật làm chuồng trại và vệ sinh chuồng trại; Cách xác định thời điểm phối giống thích hợp để cho tỷ lệ thụ thai cao; Kỹ thuật chăm sóc, nuôi dưỡng bò cái chửa, bò cái nuôi con; Một số bệnh thường gặp trong chăn nuôi bò… Lớp tập huấn đã được Lãnh đạo Sở Nông Lâm nghiệp tỉnh và học viên đánh giá cao vì thiết thực với người học và sát với nhu cầu thực tiễn sản xuất.

Bên cạnh đó, để giúp các hộ chăn nuôi trong và ngoài mô hình nắm được “Kỹ thuật chăn nuôi bò sinh sản”, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia đã tổ chức 01 lớp tập huấn cho 30 học viên tham dự, đối tượng là các hộ chăn nuôi bò trong và ngoài mô hình. Lớp tập huấn đã dành nhiều thời gian cho học viên thực hành ngoài hiện trường như kỹ thuật ủ chua cỏ, kỹ thuật phối trộn thức ăn tinh, kỹ thuật ủ phân compost…, giúp học viên củng cố lại kiến thức, có kỹ năng thực tế để có thể áp dụng vào thực tiễn sản xuất.

Sau 7 tháng triển khai, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia đã xây dựng thành công mô hình cải tạo đàn bò tại Mường Peak, tỉnh Xiêng Khoảng. Bò giống, cỏ voi AV06 thích nghi tốt với điều kiện tự nhiên tại địa phương, được cán bộ và bà con nông dân nhiệt tình đón nhận. Sử dụng bò cái lai Sind để tạo ra con lai có năng suất và chất lượng cao, tiếp tục bình tuyển làm bò cái nền để nâng cao tỷ lệ máu lai của đàn bò địa phương, góp phần tăng thu nhập, cải thiện đời sống người dân địa phương. Đặc biệt, các tiến bộ kỹ thuật chuyển giao đã góp phần thay đổi nhận thức và tập quán canh tác tại địa phương, tạo bước khởi đầu thuận lợi để đẩy mạnh công tác khuyến nông, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật lĩnh vực chăn nuôi khi Trung tâm dịch vụ kỹ thuật nông nghiệp tỉnh Xiêng Khoảng đi vào hoạt động.

TS. NGUYỄN THỊ HẢI

Trung tâm Khuyến nông Quốc gia