Một ngày đầu tháng 3, chúng tôi có mặt tại mô hình “Nuôi cá chép ứng dụng công nghệ sông trong ao” của gia đình ông Phan Nhân Lợi tại thôn Đa Phúc, xã Sài Sơn, huyện Quốc Oai (TP. Hà Nội). Đây là 1 trong 5 hộ gia đình tham gia thực hiện mô hình “Nuôi cá chép ứng dụng công nghệ sông trong ao” do Trung tâm Khuyến nông Hà Nội triển khai tại 3 huyện Quốc Oai, Phú Xuyên và Thường Tín, với quy mô 5ha. Các hộ tham gia mô hình được hỗ trợ 100% cá chép giống, 30% thức ăn và 30% chế phẩm sinh học. Theo đó, mỗi hộ tham gia mô hình được bàn giao 15.000 con giống cá chép V1, 35kg chế phẩm sinh học và 5.850 kg thức ăn; được cán bộ khuyến nông hướng dẫn kỹ thuật xây dựng bể, quy trình thả nuôi, cách thức chăm sóc và phòng bệnh cho cá...

Tham quan mô hình “Nuôi cá chép ứng dụng công nghệ sông trong ao” do Trung tâm Khuyến nông Hà Nội triển khai

Qua thời gian thả nuôi 5 tháng, hiệu quả nuôi cá chép của gia đình ông Lợi đã tăng hơn hẳn so với cách nuôi truyền thống. “Trước đây, nuôi theo phương pháp cũ năng suất đạt kém lắm, chỉ được tầm 4,5 - 5 tấn/ha. Nhưng từ khi áp dụng và xây mô hình nuôi theo công nghệ này thì mật độ nuôi tăng gấp 10 lần; sản lượng cũng tăng 3 - 4 lần; tốc độ sinh trưởng của con cá chép tăng gấp đôi và cá thành phẩm lại săn chắc, ngon hơn hẳn”, ông Lợi chia sẻ.

Kết quả chung của các hộ tham gia mô hình “Nuôi cá chép ứng dụng công nghệ sông trong ao” cho thấy, cá sinh trưởng tốt, khỏe mạnh, đồng đều, trọng lượng cá đạt bình quân từ 1 - 1,2kg/con, tỷ lệ sống cao trên 87%, đặc biệt là không xảy ra dịch bệnh, môi trường nuôi luôn ở ngưỡng phù hợp với sự sinh trưởng của cá. Giá trị kinh tế ước tính, các hộ thu lãi khoảng 200 triệu đồng/ha; mô hình cho thấy nhiều ưu điểm vượt trội, hiệu quả rõ rệt.

Tìm hiểu được biết, mô hình này chỉ là một trong số hàng trăm mô hình sản xuất do Trung tâm Khuyến nông Hà Nội triển khai trong những năm qua. Với phương châm “Sát thực tế, phù hợp, hiệu quả”, quá trình triển khai các mô hình, Trung tâm đều dựa trên nhu cầu thực tế của nông dân các địa phương để nghiên cứu, lựa chọn mô hình phù hợp. Do vậy, nhìn chung các mô hình do Trung tâm thực hiện đều được bà con nông dân hưởng ứng, ủng hộ và học tập, nhân rộng. Chỉ tính riêng trong năm 2018, Trung tâm Khuyến nông Hà Nội đã triển khai thực hiện tổng số 26 dạng mô hình, bao gồm 11 dạng mô hình về trồng trọt, 8 dạng mô hình về chăn nuôi, thủy sản và 7 dạng mô hình về cơ giới hóa. Nhiều mô hình trong số này đã mang lại hiệu quả cao, tiêu biểu như: Mô hình cánh đồng cấy một giống gắn với tiêu thụ sản phẩm; mô hình trình diễn giống ngô lai mới, ngô biến đổi gen; mô hình chăn nuôi bò sinh sản; mô hình nuôi cá chép áp dụng công nghệ sông trong ao; mô hình ứng dụng công nghệ sinh học trong nuôi tôm càng xanh siêu đực; mô ứng dụng công nghệ sinh học trong nuôi cá rô phi…

Điểm nổi bật trong thực hiện đa dạng hóa các hình thức hoạt động gắn với nhu cầu thực tế của nông dân đó là Trung tâm Khuyến nông Hà Nội đã chú trọng việc hỗ trợ nông dân ứng dụng cơ giới hóa vào sản xuất. Đến đầu năm 2019, Trung tâm đã phối hợp với Công ty TNHH Kubota Việt Nam giúp hỗ trợ các trạm khuyến nông xây dựng được 5 Trung tâm sản xuất mạ khay tại huyện Phú Xuyên, Thanh Trì, Chương Mỹ, Thạch Thất, Quốc Oai với năng lực sản xuất 25.000 - 30.000 khay mạ/vụ/trung tâm. Trung tâm cũng hỗ trợ xây dựng 3 nhà lạnh bảo quản nông sản tại 3 huyện Phúc Thọ, Gia Lâm, Thạch Thất; 5 hệ thống tưới phun cho cây rau, hoa, quả tại 5 huyện Ứng Hòa, Thường Tín, Ba Vì, Gia Lâm, Thanh Oai; 5 hệ thống làm mát trong chăn nuôi gà với 05 hộ tham gia tại Gia Lâm, Chương Mỹ, Phúc Thọ, Quốc Oai, Hoài Đức. Những hoạt động này đã có ý nghĩa lớn trong việc đẩy mạnh cơ giới hóa, tăng cường ứng dụng tiến bộ kỹ thuật vào nâng cao giá trị các hoạt động sản xuất nông nghiệp.

Đặc biệt, nhằm hỗ trợ có hiệu quả cho nông dân, Trung tâm Khuyến nông Hà Nội còn tập trung thực hiện tốt công tác quản lý, sử dụng và bảo toàn Quỹ Khuyến nông thành phố; qua đó đáp ứng kịp thời nhu cầu về vốn phát triển sản xuất của nông dân. Tính đến hết năm 2018, Quỹ Khuyến nông thành phố Hà Nội đã đạt 193 tỷ đồng; trong đó kinh phí phát triển sản xuất là 142,2 tỷ đồng, kinh phí phát triển cơ giới hóa là 50,7 tỷ đồng. Trong năm 2018, Trung tâm đã giải ngân cho 258 phương án với số tiền hơn 80,3 tỷ đồng. Qua đánh giá, việc giải ngân tại các phương án, dự án đều có kết quả tốt.

Theo bà Vũ Thị Hương, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Hà Nội chia sẻ: Trên cơ sở những kết quả đã đạt được, năm 2019, Trung tâm sẽ tiếp tục tăng cường tổ chức các lớp, khóa tập huấn chuyên sâu cho cán bộ khuyến nông và nông dân, đồng thời đẩy mạnh tuyên truyền về hiệu quả của mô hình nhằm tạo sức lan tỏa. Trong triển khai các mô hình sẽ làm tốt công tác chọn hộ, chọn điểm; giao trách nhiệm cho các phòng, trạm rà soát kỹ lưỡng đối với các điểm, các hộ đã chọn phải đáp ứng theo đúng yêu cầu về năng lực đối ứng nhằm hạn chế thấp nhất việc thay đổi khi thực hiện. Cùng với đó, bám sát mục tiêu, nhiệm vụ Chương trình 02-CT/TU của Thành ủy Hà Nội về “Phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới, nâng cao đời sống nông dân giai đoạn 2016 – 2020”; chỉ đạo của UBND thành phố Hà Nội về đẩy mạnh thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp…, Trung tâm Khuyến nông Hà Nội cũng sẽ tiếp tục xây dựng triển khai các mô hình hiệu quả gắn với chuỗi tiêu thụ sản phẩm. Đồng thời, đẩy mạnh đưa công nghệ cao, cơ giới hoá vào sản xuất nhằm nâng cao giá trị nông sản cũng như tăng thu nhập cho nông dân./.

Quang Đạo