Đến thăm và kiểm tra mô hình liên kết nuôi cá rô phi thâm canh ứng dụng công nghệ Biofloc gắn với tiêu thụ sản phẩm tại xã Thái Sơn, huyện Hiệp Hoà, tỉnh Bắc Giang, đoàn được chủ hộ là ông Đào Văn Tuấn báo cáo, mô hình có quy mô 0,5 ha, ông đã được TTKN Bắc Giang tập huấn hướng dẫn kỹ thuật, áp dụng đúng quy trình công nghệ nuôi. Sau hơn 5 tháng nuôi, đàn cá sinh trưởng phát triển tốt, khối lượng trung bình đạt khoảng 760 g/con, tỷ lệ sống đạt 85%.

Ông Tuấn cho biết thêm, nuôi cá ứng dụng công nghệ Biofloc giúp giảm chi phí thức ăn, hóa chất, giảm dịch bệnh, hạn chế ô nhiễm môi trường và tăng tỷ lệ sống của cá, thời gian nuôi ngắn hơn, tạo ra sản phẩm an toàn cho người tiêu dùng. Vì vậy, khả năng duy trì và nhân rộng của mô hình rất lớn.

Đoàn kiểm tra mô hình liên kết nuôi cá rô phi thâm canh ứng dụng công nghệ Biofloc gắn với tiêu thụ sản phẩm

 

Mô hình chăn nuôi lợn thịt tăng cường các biện pháp an toàn sinh học tại một số đơn vị quân đội do Cục Quân nhu chủ trì, Sư đoàn 325/Quân đoàn 2 thực hiện, quy mô năm 2021 là 140 con lợn thịt nuôi thương phẩm, triển khai tại trại chăn nuôi C29 và Trung đoàn 18, xã Giáp Sơn, huyện Lục Ngạn. Tại trại chăn nuôi C29, 90 con lợn trong mô hình được nuôi trong chuồng lạnh, có lưới chắn côn trùng, có hố sát trùng dọc hành lang chuồng nuôi, đảm bảo cách ly tốt. Hiện tại đàn lợn sinh trưởng phát triển tốt.

Ông Nguyễn Xuân Dương, phó sư đoàn trưởng Sư đoàn 325 cho biết, việc thực hiện mô hình tạo cơ hội cho các chiến sỹ nắm bắt kỹ thuật chăn nuôi lợn tăng cường các biện pháp an toàn sinh học, đảm bảo an toàn cho đàn lợn trong khi dịch tả lợn Châu Phi đang diễn biến phức tạp, cung cấp thực phẩm an toàn, đồng thời giúp các chiến sỹ học thêm nghề chăn nuôi lợn, có thể vận dụng khi xuất ngũ.

Đoàn kiểm tra mô hình chăn nuôi lợn thịt tăng cường các biện pháp an toàn sinh học

 

Tại mô hình trồng một số cây lâm sản ngoài gỗ gắn với tiêu thụ sản phẩm do Công ty Nicotex chủ trì tại xã Mỹ Thái - huyện Lạng Giang, cây trồng năm 2020 sinh trưởng và phát triển tốt, chiều cao trung bình đạt từ 40-50 cm, tỷ lệ sống đạt 98%; cây trồng năm 2021 đã bám rễ, tỷ lệ sống đạt 98%. Tuy nhiên, việc chăm sóc, làm cỏ cần thường xuyên hơn, không xen canh với các cây trồng khác, đảm bảo theo yêu cầu kỹ thuật của mô hình.

Dự án Xây dựng mô hình trồng Sa nhân tím tại một số tỉnh trung du miền núi phía Bắc do Trường Đại học Nông lâm Bắc Giang chủ trì triển khai tại thị trấn Tây Yên Tử, huyện Sơn Động, quy mô 10 ha trong năm 2021. Tuy nhiên đến thời điểm hiện tại mới trồng được 2 ha, một số diện tích cây mới trồng bị chết. Đoàn kiểm tra đã đề nghị đơn vị chủ trì cần trồng bổ sung những cây chết và trồng diện tích còn lại sớm nhất có thể để đảm bảo kết quả của mô hình.

TS. Hạ thúy Hạnh – Phó GĐ TTKNQG cho biết, công tác kiểm tra, đánh giá các dự án KNTW không chỉ kiểm tra, hướng dẫn đơn vị chủ trì, đơn vị triển khai, các hộ tham gia mô hình thực hiện các nội dung của dự án theo thuyết minh đã phê duyệt, mà còn đánh giá hiệu quả, tác động và sự lan tỏa của dự án; nắm bắt và giải quyết kịp thời các khó khăn, vướng mắc của đơn vị chủ trì, đơn vị triển khai, các hộ tham gia mô hình để đảm bảo tiến độ và chất lượng dự án. Kết quả triển khai dự án, tâm tư nguyện vọng của bà con nông dân cũng như yêu cầu thực tế sản xuất là cơ sở định hướng, đề xuất các chương trình, dự án, hoạt động khuyến nông phù hợp từng vùng miền, phát huy tiềm năng, thế mạnh địa phương, tăng năng suất, chất lượng sản phẩm phục vụ tiêu dùng trong nước và xuất khẩu. Đề nghị Sở NN&PTNT tỉnh Bắc Giang nói riêng và các tỉnh thành nói chung phối hợp chặt chẽ hơn nữa trong công tác quản lý các dự án KNTW trên địa bàn của tỉnh.

TS. Dương Thanh Tùng, GĐ Sở NN&PTNT tỉnh Bắc Giang khẳng định, các dự án KNTW triển khai trên địa bàn tỉnh Bắc Giang đều mang lại lợi ích cho người dân địa phương. Từ kết quả xây dựng mô hình cũng như thông tin, tuyên truyền, đào tạo tập huấn, giúp người dân tiếp cận với các kỹ thuật mới trong sản xuất, liên kết theo chuỗi để tăng năng suất, chất lượng sản phẩm, tăng hiệu quả kinh tế, xã hội và môi trường. Bắc Giang rất quan tâm đến chất lượng, khả năng nhân rộng của các dự án; đặc biệt dự án sản xuất theo hướng hữu cơ, ứng dụng công nghệ chuyển đổi số trong nông nghiệp như đã phun thuốc bảo vệ thực vật bằng máy bay không người lái để giảm độc hại cho người nông dân... Thời gian tới, Bắc Giang rất mong tiếp tục nhận được sự quan tâm của Bộ NN&PTNT trong việc triển khai các hoạt động khuyến nông nói riêng, sản xuất nông nghiệp nói chung, cũng như tham gia liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm với các tỉnh thành và phục vụ xuất khẩu...

Liên Hương

Trung tâm Khuyến nông Quốc gia