Trong những năm gần đây, tình hình khí hậu ngày càng diễn biến phức tạp do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, không ít nông dân gặp khó khăn trong hoạt động sản xuất nông nghiệp. Bên cạnh đó, vấn đề sản xuất lúa theo hướng hàng hóa chất lượng cao, bền vững, giảm chi phí, giảm thải ô nhiễm môi trường trong sản xuất và góp phần tăng giá trị hạt gạo xuất khẩu, mở rộng thị trường gạo Việt Nam đủ sức cạnh tranh xuất khẩu sang thị trường khó tính ngày càng bức thiết.

Nắm bắt được tình hình đó, vụ Đông Xuân 2018-2019, Trung tâm Khuyến nông Kiên Giang đã triển khai dự án xây dựng cánh đồng lớn nhằm đáp ứng vùng nguyên liệu và ứng phó với biến đổi khí hậu tại HTXNN ấp Kênh 8B. Dự án được nông dân hưởng ứng tham gia bởi đây là điều kiện tốt để nông dân trong vùng có thể tiếp cận các biện pháp kỹ thuật canh tác mới, xây dựng vùng nguyên liệu tạo ra sản lượng lớn, sản phẩm có chất lượng cao, tiến tới ký kết các hợp đồng tiêu thụ sản phẩm với các doanh nghiệp tiêu thụ lúa gạo.

Diện tích thực hiện dự án là 78,2 ha với 35 hộ tham gia (trong đó diện tích cấy là 63,2 ha, 28 hộ tham gia; diện tích sạ thưa là 15 ha, 7 hộ tham gia).

Về giống: 15 ha sử dụng giống Jasmine 85, cấp xác nhận, giá giống là 13.400 đồng/kg, trong đó Nhà nước hỗ trợ 4.500 đồng/kg, phần còn lại nông dân nộp tiền đối ứng trước khi nhận giống. 63,2 ha cấy giống ĐT8 do bà con tự mua lúa giống.

Về phân bón: Nhà nước hỗ trợ 900.000 đồng/ha. Dự án chọn sản phẩm phân hữu cơ: 944.000 đồng/ha gồm 2 chai GA.20 và 6kg Super Humate của Công ty TNHH Xuân Phương. Nông dân nộp đối ứng 44.000 đồng /ha.

Thời gian gieo sạ/cấy: Ngày gieo sạ: từ 20-28/11/2018;  Ngày cấy: cấy từ ngày 22/11 đến ngày 08/12/2018.

Diện tích thực hiện dự án là 78,2 ha với 35 hộ tham gia

Đối với phần diện tích sạ thưa, kết quả khi thu hoạch cho thấy, nông dân trong dự án thu được 46.740.000 đồng/ha, ngoài dự án chỉ thu hoạch được 40.082.000 đồng/ha. Như vậy, lợi nhuận của nông dân trong dự án thu được cao hơn ngoài dự án là 6.658.000 đồng/ha. Một phần của sự chênh lệch này là giá bán lúa trong dự án cao hơn ngoài dự án 800 đồng/kg lận; nông dân trong dự án đã ứng dụng kỹ thuật như sử dụng giống lúa cấp xác nhận 1, gieo sạ giảm mật độ, sử dụng phân bón qua lá GA20 và Super Humate, phòng trị sâu bệnh kịp thời…, do đó giúp làm giảm chi phí hơn 2.398.000 đồng/ha so với ngoài mô hình.

Đối với phần lúa cấy: mặc dù chi phí cấy lúa ban đầu cao (5.500.000 đồng/ha) nhưng bù lại chi phí thuốc BVTV ít hơn so với lúa sạ, lúa thưa áp lực sâu bệnh thấp và nhất là rầy nâu gây hại với mật số rất thấp nên cho bông lớn nhiều hạt và năng suất tăng đáng kể (năng suất cao hơn 190 kg/ha). Mặt khác Ban giám đốc HTX đã ký được hợp đồng bao tiêu sản phẩm 63,2 ha lúa cấy với công ty Giống cây trồng miền Nam mua cao hơn giá thị trường 800 đồng/kg (mặc dù so với năm nay giá lúa các nơi khác đang ở giá thấp).

Tham gia dự án, nông dân đã dần thay đổi tập quán canh tác

Có thể thấy, tuy đây là lần đầu tiên thực hiện dự án tại ấp Kênh 8B nhưng dự án đã nhận được sự ủng hộ của UBND xã, Ban lãnh đạo ấp cùng sự đồng thuận của toàn thể nông dân tham gia nên việc triển khai thực hiện diễn ra thuận lợi. Qua tham gia dự án, nông dân đã giảm được lượng phân bón đạm, thuốc BVTV đáng kể, giúp giảm ô nhiễm môi trường. Bên cạnh đó còn hình thành được vùng sản xuất lúa tập trung, sản lượng lớn đáp ứng nhu cầu thị trường; Nâng cao hiệu quả kinh tế, tăng thu nhập và cải thiện thu nhập cho người bà con nông dân nơi đây.

Thấy được hiệu quả của cánh đồng lớn mang lại, UBND xã đã chỉ đạo tiếp tục duy trì diện tích của dự án và mở rộng diện tích ứng dụng kỹ thuật canh tác lúa theo hướng “1 phải 5 giảm”. Ban lãnh đạo ấp tiếp tục liên kết hợp đồng với các doanh nghiệp cung ứng vật tư đầu vào và bao tiêu sản phẩm đầu ra nhằm giảm chi phí và tăng lợi nhuận cho bà con nông dân xã nhà.

Trần Thúy Oanh

Tổ KTKT xã Thạnh Đông A, huyện Tân Hiệp, tỉnh Kiên Giang