Diễn đàn thu hút sự tham gia của gần 300 đại biểu đến từ Bộ Khoa học và công nghệ, Bộ Tài nguyên và Môi trường, lãnh đạo một số tỉnh vùng ĐBSCL, các đơn vị trực thuộc Bộ Nông nghiệp và PTNT, Sở Nông nghiệp và PTNT, Trung tâm Khuyến nông các tỉnh vùng ĐBSCL, các doanh nghiệp, hợp tác xã và bà con nông dân. Đông đảo các cơ quan báo chí Trung ương và địa phương tham dự, đưa tin về Diễn đàn.

Toàn cảnh Diễn đàn

 

Lúa - tôm là mô hình được nông dân các tỉnh ven biển khu vực đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) áp dụng từ lâu và được các nhà khoa học xác định là mô hình thích ứng với biến đổi khí hậu. Đây cũng được xem là mô hình mang lại hiệu quả khá cao và bền vững, những năm gần đây được ngành chức năng khuyến cáo sản xuất và nhân rộng. Có thể khẳng định, mô hình lúa - tôm là mô hình sản xuất ít tác động tiêu cực tới môi trường xung quanh, ít rủi ro, phù hợp với khả năng của đa số nông dân và cho hiệu quả kinh tế khá cao. Khi nuôi tôm, đất sản xuất trở nên màu mỡ hơn, giúp lúa phát triển mạnh, giảm được chi phí phân bón cũng như thuốc bảo vệ thực vật. Đặc biệt sau mỗi vụ tôm, chất mùn bã hữu cơ, vi sinh vật và thức ăn dư thừa của con tôm là nguồn dinh dưỡng rất tốt cho cây lúa. Ngược lại sau vụ lúa, đất được cải tạo, môi trường thuận lợi nên tôm nuôi mau lớn, ít gặp rủi ro và dịch bệnh. Năm 2021, diện tích nuôi tôm - lúa đạt gần 207.768 ha, chiếm 29,6% so với diện tích nuôi tôm của các tỉnh vùng ĐBSCL. Sản lượng tôm nuôi đạt 128.752 tấn. Tuy nhiên, khi mô hình ngày càng phát triển với diện tích ngày cùng lớn thì cũng là lúc phát sinh những vấn đề khó khăn, bất cập như: môi trường ngày càng ô nhiễm, dịch bệnh diễn biến phức tạp, thiếu hệ thống thủy lợi, cơ sở hạ tầng chưa được đầu tư đồng bộ, kỹ thuật canh tác chưa tối ưu, chưa xây dựng được thương hiệu, chưa phát triển được thị trường tiêu thụ ổn định,...

Các đại biểu tham quan mô hình liên kết sản xuất tôm - lúa hữu cơ của HTX Bào Trâm

 

Tại Diễn đàn, các đại biểu đã được nghe 4 báo cáo của Tổng cục Thủy sản, Viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản 2, Viện lúa ĐBSCL và Sở Nông nghiệp và PTNT Kiên Giang. Đề cập tới hiện trạng và định hướng phát triển bền vững mô hình tôm – lúa vùng ĐBSCL, Tổng cục Thủy sản cho biết: Trong kịch bản ứng phó với biến đổi khí hậu và nước biển dâng thì mô hình tôm - lúa được ưu tiên phát triển, nhằm thích ứng với điều kiện xâm nhập mặn. Mô hình tôm lúa đã được nhận diện là bền vững, có hiệu quả kinh tế và hạn chế rủi ro, dịch bệnh, thích ứng biến đổi khí hậu so với các mô hình nuôi trồng thuỷ sản khác. Thời gian qua, nhà nước và các tổ chức nghiên cứu, hỗ trợ phát triển đã nhận định đúng lợi thế, thách thức để thực hiện một số chương trình, dự án phát triển mô hình tôm - lúa vùng ĐBSCL. Từ đó, đã tạo ra một số mô hình nuôi tôm kết hợp trồng lúa hiệu quả, thích ứng biến đổi khí hậu, đặc biệt là vùng bán đảo Cà Mau gồm các tỉnh Bạc Liêu, Cà Mau, Kiên Giang. Vì vậy vào tháng 02/2022, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã phối hợp với Báo Tuổi trẻ tổ chức hội thảo “Phát triển mô hình lúa thơm - tôm sạch vùng Mekong” nhằm nhân rộng mô hình “lúa thơm - tôm sạch” ra những địa phương có điều kiện canh tác phù hợp.

Còn theo Sở Nông nghiệp và PTNT Kiên Giang - địa phương có diện tích canh tác tôm - lúa lớn nhất vùng ĐBSCL: Mô hình canh tác tôm - lúa rất thích hợp với vùng đất nhiễm mặn theo mùa và ổn định hơn về mặt kinh tế và sinh thái so với mô hình chuyên lúa. Được xác định là mô hình đặc trưng và quan trọng trong cơ cấu nuôi tôm địa phương, tỉnh Kiên Giang đã và đang khuyến khích và thúc đẩy phát triển mạnh mô hình này. Trong thời gian tới, ngành nông nghiệp tỉnh chủ trương tiếp tục chuyển đối diện tích trong lúa kém hiệu quá sang mô hình lúa - tôm; nuôi tôm càng xanh xen tôm sú và tôm - cua kết hợp, nhất là tăng thêm diện tích, năng suất, sản lượng tôm, cua trong mô hình kết hợp,… Ngoài ra, còn nhiều ý kiến của các chuyên gia, các nhà khoa học về các giải pháp kỹ thuật để phát triển bền vững mô hình tôm – lúa theo hướng hữu cơ thích ứng với biến đổi khí hậu vùng ĐBSCL.

Các đại biểu trao đổi với bà con nuôi tôm tại xã Nam Yên, huyện An Biên

 

Phát biểu kết luận tại Diễn đàn, Thứ trưởng Trần Thanh Nam cho rằng Diễn đàn lần này được tổ chức hết sức có ý nghĩa vì đây là vấn đề đang được các đại biểu quan tâm. Thứ trưởng chỉ đạo Tổng Cục thủy sản, Cục Trồng trọt, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia tập hợp ý kiến để tiếp tục tham mưu cho các tỉnh ĐBSCL các giải pháp phát triển mô hình trong thời gian tới. Đồng thời, sắp tới sẽ có thêm hội thảo chuyên đề bàn sâu hơn về vấn để xử lý môi trường nuôi tôm – lúa. Thứ trưởng đề nghị:

- Các địa phương cần rà soát lại vấn đề quy hoạch diện tích nuôi tôm lúa và có hỗ trợ về hạ tầng thuỷ lợi, kỹ thuật.

- Thời gian tới, để hướng dẫn bà con nông dân phát triển mô hình tôm lúa bền vững, đạt năng suất cao, các đơn vị liên quan trực thuộc Bộ cần tham vấn các nhà khoa học để xây dựng được một bộ tài liệu kỹ thuật sản xuất tôm - lúa. Trên cơ sở đó, các địa phương sẽ triển khai các chương trình đào tạo, tập huấn để từng bước chỉnh sửa, chuẩn hóa để hình thành bộ tài liệu chuẩn đào tạo nghề nuôi tôm - lúa.

- Trung tâm Khuyến nông Quốc gia cần xây dựng mô hình trình diễn tại Cà Mau và Kiên Giang, xây dựng hợp tác xã, hình thành vùng nguyên liệu tôm – lúa đạt chuẩn, tiến tới cùng với doanh nghiệp xây dựng thương hiệu lúa hữu cơ - tôm sạch vùng ĐBBSCL.

Thứ trưởng Trần Thanh Nam kết luận Diễn đàn

 

Trong khuôn khổ Diễn đàn đã diễn ra 5 phiên ký kết hợp tác phát triển giữa Công ty Cổ phần Tập đoàn Thủy sản Bồ Đề, Công ty Cổ phần giống cây trồng Việt Nam, Công ty Đại Dương Xanh, Công ty Cổ phần nông nghiệp công nghệ cao Trung An, Công ty TNHH nông nghiệp hữu cơ lúa tôm với một số địa phương vùng ĐBSCL và hợp tác xã đang triển khai mô hình tôm - lúa. Trước đó, các đại biểu đã đi tham quan mô hình liên kết sản xuất tôm lúa theo hướng hữu cơ của Hợp tác xã Bào Trâm ở xã Nam Yên, huyện An Biên, tỉnh Kiên Giang.

 
Lễ ký kết hợp tác giữa một số địa phương, các công ty và các hợp tác xã

 

Đỗ Tuấn – Việt Oanh

Xem thêm tin, bài về Diễn đàn trên một số báo:

Báo Nông nghiệp Việt Nam

Báo Dân Việt

Báo Điện tử VOV

Báo Thanh niên