Các hộ dân tham quan mô hình chăn nuôi lợn thương phẩm an toàn trong nông hộ tại xã San Thàng, thành phố Lai Châu

Năm 2016, mô hình chăn nuôi lợn thương phẩm an toàn thuộc dự án Khuyến nông Trung ương tại tỉnh Lai Châu được triển khai với sự tham gia của 5 hộ dân tại 2 điểm là phường Đoàn Kết và xã San Thàng thuộc thành phố Lai Châu.

Trung tâm Nghiên cứu lợn Thụy Phương đã cùng các hộ tham gia xây dựng mô hình trực tiếp chọn lợn tại Trạm Nghiên cứu và Phát triển giống lợn hạt nhân Tam Điệp. Đây là các giống lợn LY, YL và các dòng lợn ngoại có nguồn gốc, lý lịch rõ ràng và giấy chứng nhận kiểm dịch, được chăm sóc, nuôi dưỡng đúng kỹ thuật và tiêm phòng theo quy định, khối lượng trung bình mỗi con khoảng 20kg.

Dự án đã hỗ trợ cho các hộ tham gia tổng số 150 con lợn, mỗi hộ 30 con lợn giống; 13.125 kg thức ăn hỗn hợp hoàn chỉnh dạng viên cho đàn lợn (mỗi hộ được hỗ trợ 2.625 kg). Ngoài ra, các hộ còn được hỗ trợ vắcxin, thuốc thú y và tham dự các lớp tập huấn về kỹ thuật chăn nuôi lợn thương phẩm an toàn trong nông hộ, công tác vệ sinh thú y, quy trình thực hành chăn nuôi tốt (VietGAHP). Các hộ đều chăn nuôi theo đúng quy trình được Trung tâm Nghiên cứu lợn Thụy Phương hướng dẫn.

Ông Nguyễn Văn Tuế, hộ nông dân tại xã San Thàng, cho biết: “Chúng tôi lần đầu tiên nuôi giống lợn ngoại khi tham gia mô hình nên cũng gặp một số khó khăn nhất định, tuy nhiên nhờ sự hướng dẫn của cán bộ kỹ thuật nên đàn lợn sinh trưởng phát triển khá tốt, đảm bảo theo đúng yêu cầu của mô hình. Trong thời gian tới, gia đình tôi sẽ xem xét để phát triển chăn nuôi phù hợp với điều kiện của mình”.

Sau 3 tháng triển khai, kết quả cho thấy các chỉ tiêu kinh tế, kỹ thuật đều đáp ứng yêu cầu của dự án; tỷ lệ nuôi sống đạt trung bình 99,3%; khả năng tăng khối lượng cao (tại phường Đoàn Kết có các chỉ tiêu như tăng khối lượng đạt trung bình 761,2 g/ngày nuôi, tiêu tốn thức ăn đạt trung bình 2,53 kg TA/kg TKL; tại xã San Thàng có các chỉ tiêu như tăng khối lượng đạt 747,2 g/ngày nuôi, tiêu tốn thức ăn đạt trung bình 2,53 kg TA/kg TKL); tỷ lệ mắc bệnh thấp. Các hộ đều sử dụng bể biogas, thu gom xử lý phân, nước thải nhằm giảm thiểu ô nhiễm môi trường.

Ông Phạm Tiến Dũng, Phó Chủ tịch UBND phường Đoàn Kết, thành phố Lai Châu, cho biết: “Mô hình được triển khai góp phần chuyển giao các tiến bộ khoa học kỹ thuật mới trong chăn nuôi nhất là chăn nuôi lợn thương phẩm đến bà con nông dân. Mong rằng trong thời gian tiếp theo có nhiều các mô hình tương tự được triển khai trên địa bàn thành phố để người dân thay đổi tập quán chăn nuôi, nâng cao thu nhập và phát triển kinh tế gia đình”.

Mô hình hoàn thành khi giá lợn trên thị trường có chiều hướng giảm ảnh hưởng một phần đến hiệu quả kinh tế của người dân, tuy nhiên các hộ tham gia mô hình và các hộ dân vùng lân cận nắm được kỹ thuật chăn nuôi lợn thương phẩm an toan trong nông hộ như cách chọn giống lợn, xử lý phân và nước thải bảo vệ môi trường cho thấy mô hình được ứng dụng nhanh và bền vững. Hiệu quả chăn nuôi lợn thương phẩm khi tham gia dự án của các hộ đã tăng so với trước khi tham gia dự án. Khả năng nhân rộng dự án cho người chăn nuôi được đánh giá có tính khả thi cao bởi các quy trình kỹ thuật dễ làm, dễ ứng dụng theo điều kiện tại địa phương./.

Nguyễn Thị Thùy Dương

Trung tâm Khuyến nông Lai Châu