Các hộ tham gia được tập huấn kỹ thuật, quy trình canh tác như làm đất, bón phân, quản lý dịch hại tổng hợp, thường xuyên kiểm tra tình hình sinh trưởng của cây và có sổ ghi chép nhật ký rõ ràng về quá trình sản xuất, chi phí và lợi nhuận thu được.

Qua đánh giá bước đầu, trồng rau trong nhà lưới sẽ ngăn ngừa được côn trùng phá hoại nên giảm tối đa lượng thuốc trừ sâu, chống ô nhiễm môi trường sinh thái, bảo vệ môi trường đất, nước, sản phẩm rau an toàn góp phần bảo vệ sức khoẻ cho người tiêu dùng. So với trồng rau  thông thường trên cùng đơn vị diện tích, trồng rau theo mô hình này sản lượng rau thu được tăng từ 3% đến 5%, lượng thuốc trừ sâu cũng giảm từ 2 - 3 lần phun/vụ. Không những thế, ưu điểm của mô hình là có thể tăng được số vòng quay thời vụ cho rau ăn lá từ 5 vụ/năm lên 10 vụ/năm, có thể trồng quanh năm, ngay cả vào mùa mưa.

Ông Phạm Ngọc Đồng - Trưởng thôn Cánh 9 là một trong những hộ điển hình tham gia dự án trồng rau theo tiêu chuẩn VietGAP. Ông Đồng cho biết, ngoài việc được nhà nước hỗ trợ ban đầu như nhà lưới, kỹ thuật, tem nhãn mác... ông còn tự đầu tư hệ thống tưới phun mưa, đầu tư thâm canh và sử dụng những giống rau, củ quả mới. Vvụ đông xuân 2016 ông đã thí điểm mua giống cà chua tím về trồng, bước đầu cho thấy cây phù hợp với điều kiện canh tác, thổ nhưỡng, sinh trưởng và phát triển tốt, sai quả, 1 cây cho thu hoạch trung bình 4 kg quả. Trong vườn thường xuyên có các loại rau cải, rau mùi, xà lách trồng trái vụ, bình quân 1 sào cho thu nhập từ 5 triệu đồng, cao hơn gấp 2 – 3 lần so với trồng lúa.

Bà Vui cho biết thêm: “Từ khi tham gia dự án trồng rau VietGAP trong nhà lưới thấy hiệu quả nhiều hơn, giảm công lao động, dịch bệnh cũng giảm”. Xã Vạn Hòa với điều kiện đất đai thuận lợi cho việc trồng rau màu quanh năm, các hộ sẽ tiếp tục mở rộng diện tích gieo trồng các giống mới có năng suất cao và cung cấp sản phẩm đáp ứng nhu cầu sử dụng của người dân.

Ngoài việc tăng thu nhập, mô hình trồng rau trong nhà lưới còn tạo việc làm cho người lao động ở địa phương, tận dụng lao động nông nhàn, tạo ra tập quán sản xuất rau an toàn, phục vụ nhu cầu tiêu thụ tại chỗ, đồng thời cung cấp rau quanh năm cho thị trường. Trong thời gian tới, cùng với việc triển khai mô hình trồng rau an toàn trong nhà lưới theo tiêu chuẩn VietGAP, các cấp lãnh đạo cũng đặc biệt quan tâm tạo đầu ra cho nông sản đạt chuẩn về an toàn vệ sinh thực phẩm, chắc chắn sẽ tạo được bước đột phá mới trong việc đưa công nghệ mới vào sản xuất, giúp nghề trồng rau ở xã Vạn Hòa nói riêng và thành phố Lào Cai nói chung ngày càng phát triển bền vững, đồng thời nâng cao giá trị thu nhập cho người dân.

Phạm Ánh Hồng

Trạm Khuyến nông thành phố Lào Cai, tỉnh Lào Cai