Năm 2017, diện tích trồng khoai tây của tỉnh Lào Cai là 274 ha (giảm 442 ha so với năm 2010); năng suất bình quân đạt 10,8 tấn/ha, thấp hơn 3 tấn/ha so với năng suất trung bình của các tỉnh miền núi phía Bắc; sản lượng đạt 2.762 tấn, giảm 5.169 tấn so với năm 2010. Diện tích khoai tây trong những năm qua ở Lào Cai phát triển chậm, thậm trí còn giảm nhiều so với những năm trước đây. Ngoài khó khăn về tập quán canh tác, trình độ thâm canh, giao thông đi lại thì nguyên nhân chủ yếu là do tình trạng khan hiếm về giống, chất lượng giống không đảm bảo, thường bị nhiễm các loại vi khuẩn, vi rút nên năng suất khoai tây không cao, hơn nữa giá củ giống khoai tây nhập cao và không chủ động nên ảnh hưởng đến việc bố trí thời vụ gieo trồng, giảm năng suất và chất lượng củ.

Hiện nay, tỉnh Lào Cai có khoảng 4.000- 5.000 ha đất ruộng hàng năm có thể phát triển trồng khoai tây tăng vụ, đem lại hiệu quả kinh tế cao cho nông dân khu vực nông thôn. Trước thực trạng trên, UBND tỉnh Lào Cai đã giao cho Trung tâm Khuyến nông Lào Cai tiến hành khảo nghiệm và xây dựng mô hình khoai tây KT5 với quy mô 6,93 ha, tại 3 huyện Mường Khương, Bảo Thắng và Bát Xát. Với mục tiêu xác định được giống khoai tây mới năng suất cao, chất lượng tốt bổ sung vào cơ cấu giống của tỉnh, góp phần nâng cao giá trị kinh tế trên đơn vị diện tích canh tác và thúc đẩy phát triển khoai tây tại tỉnh Lào Cai.

Khoai tây KT5 trồng tại thị trấn Mường Khương, huyện Mường Khương

Vụ Đông Xuân, mô hình triển khai thực hiện từ tháng 10/2018 đến 1/2019, tại thị trấn Mường Khương (huyện Mường Khương) và xã Sơn Hải (huyện Bảo Thắng) trên chân ruộng 2 vụ lúa. Vụ Xuân thực hiện từ tháng 1- 4/2019, tại xã Dền Thàng, huyện Bát Xát, trên chân ruộng 1 vụ.

Tham gia mô hình, các hộ dân được hỗ trợ giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật. Để mô hình triển khai thực hiện đạt hiệu quả cao, trước khi cấp phát vật tư, Trung tâm đã tổ chức tập huấn cho các nông hộ tham gia, hướng dẫn từ khâu làm đất, lên luống, bón lót phân và rắc vôi bột để xử lý đất; trực tiếp phân công cán bộ chỉ đạo kỹ thuật thường xuyên hướng dẫn phổ biến quy trình kỹ thuật từ khi ủ và bổ giống, trồng, chăm sóc... đặc biệt quản lý phòng trừ sâu bệnh hại trên khoai tây để phát hiện và xử lý kịp thời.

Vụ Đông Xuân tại 2 huyện Mường Khương và Bảo Thắng đã thu hoạch, bước đầu cho thấy, cây khoai tây KT5 phù hợp với khí hậu thổ nhưỡng Lào Cai. Thời gian sinh trưởng 85- 90 ngày, dạng cây nửa đứng; vỏ củ vàng, ruột vàng, bở, thơm ngon, thích hợp với ăn tươi và chế biến, phù hợp với thị hiếu người tiêu dùng. Số lượng củ/cây bình quân 7-8 củ, năng suất đạt 28-30 tấn/ha; chống chịu sâu bệnh tốt, có tiềm năng năng suất cao, tiêu chuẩn chất lượng giống tốt, tỷ lệ nảy mầm đạt trên 90%.

Ông Thàng Pân Man là hộ tham gia mô hình tại thị trấn Mường Khương cho biết, giống Khoai tây KT5 kháng bệnh mốc sương tốt hơn các giống khác, những năm trước gia đình ông dùng giống Trung Quốc năng suất thấp, củ to khoảng 2cm thì cây lụi chết hết nên gia đình không trồng khoai tây nữa. Năm nay, gia đình ông tham gia mô hình được hỗ hợ vật tư và có cán bộ hướng dẫn tận tình, ông thực hiện nghiêm túc và kết quả đạt rất khả quan. Ông phấn khởi cho biết, do trồng sớm nên củ khoai to, mẫu mã đẹp, bán được giá 20.000 đồng/kg, 1 sào khoai tây trừ chi phí được lãi gần 10 triệu đồng, so với cây trồng khác khoai tây vượt trội hẳn về hiệu quả kinh tế.

 Khoai tây KT5 cho năng suất 28-30 tấn/ha trong vụ Đông Xuân

Ông Vũ Tuấn Khơi, Phó chủ tịch xã Sơn Hải cho biết, cánh đồng thôn An Tiến là trọng điểm cây trồng vụ Đông của xã, bà con nông dân đã trồng khoai tây nhưng chưa thành công, cây bị héo xanh, lụi rồi chết nên bà con chủ yếu trồng rau. Năm nay được sự quan tâm hỗ trợ của nhà nước, các hộ rất phấn khởi, trồng theo đúng kỹ thuật, khoai củ to, mẫu mã đẹp, khoai bán vào đúng dịp tết nên được giá 12.000- 15.000 đồng/kg, vụ đông 2019 chắc chắn bà con nông dân xã Sơn Hải tiếp tục trồng khoai tây KT5 và xã sẽ chỉ đạo mở rộng diện tích tại các thôn trong địa bàn và giao cho Hội nông dân làm đầu mối.

Khoai tây được xác định là một trong những cây trồng chủ lực trong tăng diện tích vụ Đông, nâng cao hiệu số sử dụng đất nông nghiệp tại một số địa phương trong tỉnh. Trên cơ sở Quy hoạch tổng thể phát triển nông nghiệp tỉnh Lào Cai đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030, trong đó phát triển khoai tây tăng vụ Đông ở các địa phương có điều kiện về đất đai như: Bát Xát, Văn Bàn, Bảo Thắng, Bảo Yên và thành phố Lào Cai bằng sử dụng các giống mới có năng suất cao, đến năm 2020 đạt diện tích 1.500 ha.

Việc trồng khảo nghiệm giống khoai tây KT5 tại Lào Cai thành công sẽ bổ sung giống mới vào cơ cấu giống cây trồng vụ Đông trên diện tích đất tăng vụ ở các các địa phương trong tỉnh. Đồng thời hướng tới sản xuất và kinh doanh giống khoai tây KT5 trên địa bàn tỉnh và các tỉnh lân cận.

                                                                 Đặng Thương Thảo

TT Khuyến nông Lào Cai