Phát triển sản xuất chăn nuôi của tỉnh Lào Cai phân thành hai vùng rõ rệt, đối với các huyện vùng cao (Bát Xát, Bắc Hà, Mường Khương, Si Ma Cai, Sa Pa) tập trung sản xuất theo hướng hữu cơ, tạo sản phẩm đặc hữu, giá trị kinh tế cao sử dụng các giống bản địa như: vịt Sín Chéng, vịt Nghĩa Đô, gà ác, gà H’Mông, lợn đen…. Đối với các huyện vùng thấp (thành phố Lào Cai, Bảo Yên, Bảo Thắng, Văn Bàn) chuyển đổi mạnh từ chăn nuôi nông hộ sang hướng gia trại, trang trại quy mô lớn, tập trung, sử dụng con giống sạch bệnh, năng suất, chất lượng cao. Đa số các hộ chăn nuôi đã xử lý chất thải chăn nuôi bằng công nghệ khí sinh học, đệm lót sinh học, ủ phân vi sinh, giúp giảm thiểu ô nhiễm môi trường, không gây mùi hôi thối, vật nuôi lớn nhanh, ít bệnh tật… Một số hộ chăn nuôi theo hướng VietGAP, ứng dụng công nghệ cao.

Năm 2017, tổng đàn gia súc của Lào Cai trên 150.000 con, tăng 7,3% so với cùng kỳ năm 2016; đàn lợn trên 500.000 con, giảm 1,9%; gia cầm 3.371.000 con tăng, 3,4%. Sản lượng thịt xuất chuồng của các loại gia súc, gia cầm đều tăng so với cùng kỳ năm 2016. Tổng sản lượng thịt hơi xuất chuồng đạt 60.404 tấn, tăng 0,86% so cùng kỳ năm 2016. Sản phẩm chăn nuôi đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong tỉnh, một phần sản phẩm xuất bán ra ngoài tỉnh. Trong năm 2017, Chi cục Chăn nuôi thú y đã thực hiện cấp giấy vận chuyển đi các tỉnh lân cận 1.744 con trâu, bê, ngựa, 2.760 con lợn thịt, 11.629 con gia cầm, 38.216 kg sản phẩm động vật.

Mô hình chăn nuôi gà an toàn sinh học của HTX Quý Hiền

Tính đến thời điểm này, tỉnh Lào Cai đã có 9 cơ sở chăn nuôi ứng dụng công nghệ cao tại huyện Bảo Thắng, Bắc Hà (7 cơ sở chăn nuôi lợn, 1 cơ sở sản xuất giống gia cầm, 1 cơ sở chăn nuôi gia cầm) và 3 chuỗi chăn nuôi lợn, trong đó có hai chuỗi chăn nuôi khép kín từ khâu sản xuất giống đến khâu giết mổ và tiêu thụ sản phẩm (chuỗi lợn đen bản địa và chuỗi lợn thảo dược), chất lượng thịt lợn thơm ngon, không có dư lượng thuốc kháng sinh, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, tốt cho sức khỏe người tiêu dùng.

Bên cạnh những kết quả đạt được, sản xuất chăn nuôi của Lào Cai vẫn còn nhiều khó khăn thách thức: Liên kết tiêu thụ sản phẩm bắt đầu hình thành quy mô nhỏ, tính liên kết chưa bền vững, chưa tạo được nhiều sản phẩm có chứng nhận nhãn hiệu mang tính đặc thù của Lào Cai; Chăn nuôi gia súc, gia cầm quy mô nhỏ lẻ, phân tán, trình độ chăn nuôi còn hạn chế; Phát triển chăn nuôi chưa gắn với xây dựng cơ sở giết mổ tập trung; Giống gia cầm chưa chủ động được, chủ yếu nhập ở xuôi và Trung Quốc, khó kiểm soát nguồn gốc; Nguồn lực đầu tư của Nhà nước còn thấp; Lực lượng quản lý nhà nước về lĩnh vực chăn nuôi mỏng…

Để thực hiện thắng lợi kế hoạch tái cơ cấu ngành chăn nuôi theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững đến năm 2020. Ngành Nông nghiệp tỉnh Lào Cai có những Kế hoạch định hướng và giải pháp cụ thể của từng năm. Năm 2018, phát triển chăn nuôi theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững nhằm đáp ứng nhu cầu thực phẩm cho người tiêu dùng trong tỉnh và các tỉnh lân cận; Chuyển đổi mô hình chăn nuôi theo hướng tăng chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm, sức cạnh tranh cao, đảm bảo an toàn dịch bệnh và bảo vệ môi trường; Chuyển đổi chăn nuôi theo hướng ứng dụng công nghệ cao, VietGAHP, xây dựng theo chuỗi giá trị, gắn kết sản xuất về thị trường tiêu thụ và công nghệ chế biến để nâng cao giá trị sản phẩm; Phát triển tổng đàn gia súc; Tăng sản lượng thịt hơi gia súc, gia cầm đáp ứng thị trường trong tỉnh và xuất bán 1 phần ra ngoại tỉnh.

                                                                             Đặng Thương Thảo

                                                                Trung tâm Khuyến nông tỉnh Lào Cai