Để chuyển đổi cơ cấu cây trồng theo hướng thay thế cây trồng kém hiệu quả bằng những cây trồng có giá trị cao hơn, Tỉnh ủy, UBND tỉnh Lào Cai đã chỉ đạo các cơ quan chức năng tăng cường công tác tuyên truyền, vận động, phổ biến chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về “Tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững” để người nông dân hiểu và làm theo. Đồng thời giao cho Sở Nông nghiệp và PTNT tìm hiểu, khảo sát, nghiên cứu để chuyển đổi cơ cấu cây trồng đạt mục tiêu đề ra.

Thực hiện chủ trương của Tỉnh, Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Lào Cai đã thành lập đoàn công tác đi khảo sát, nghiên cứu, học tập mô hình trồng cây gai lấy sợi tại tỉnh Thanh Hóa và đã thu được những kết quả khả quan, cụ thể:

Cây gai hay còn gọi là cây Rami, cao 1–2,5 m. Cây gai phù hợp với đất đồi núi có độ pH từ 5 -6 và đất đất phù sa ven sông, suối có độ pH từ 6-7, khí hậu ôn hòa, đặc biệt phù hợp với vùng cận á nhiệt đới, cây rất cần nước nhưng không chịu được ngập úng, chịu hạn trung bình. Là cây lưu niên (lưu gốc) đa mục đích, sản phẩm chính là vỏ gai dùng để chế biến sợi phục vụ công nghiệp dệt may. Lá sử dụng làm bánh gai hoặc làm thức ăn chăn nuôi. Thân dùng làm giá thể trồng nấm, củ dùng làm dược liệu (thuốc an thai, dưỡng thai cho phụ nữ). Mặt khác, cây gai là cây trồng có tác dụng cải tạo đất, độ che phủ của lá gai có tác dụng tốt cho môi trường.

Khảo sát thực tế cho thấy, vùng quy hoạch trồng cây gai lấy sợi lớn nhất cả nước tại tỉnh Thanh Hóa do Công ty CP Đầu tư phát triển sản xuất và xuất nhập khẩu An Phước đầu tư sản xuất. Theo dự án đã được phê duyệt, giai đoạn 2018 – 2020, Công ty An Phước sẽ sản xuất với quy mô 3.000 ha, đến năm 2025 phát triển đạt 6.457 ha diện tích trồng cây gai, sử dụng giống gai xanh AP1. Trong năm 2018, công ty sẽ hoàn thiện và đưa vào vận hành nhà máy chế biến sợi dệt với công suất 2.000 cọc sợi tại xã Cẩm Tú, huyện Cẩm Thủy, tỉnh Thanh Hóa. Hiện nay, công ty An Phước đang mở rộng vùng sản xuất nguyên liệu ra các tỉnh Tây Nguyên, miền núi phía Bắc và sẵn sàng ký hợp đồng liên kết sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm với các tỉnh có đủ điều kiện để sản xuất cây gai.

Giống gai xanh AP1 do Viện Di truyền Nông nghiệp chọn tạo, là giống ưu thế nhất hiện nay. Năng suất bình quân của giống gai AP1 đạt 24,58 tấn/ha/lứa thu hoạch (gồm cả thân, lá tươi); sản lượng cả năm đạt trên 100 tấn tươi/ha, tương đương 4 tấn vỏ gai nguyên liệu khô. Đây là cây trồng một lần cho thu hoạch trong khoảng 10 năm. Mỗi lứa thu hoạch cách nhau 45 ngày, một năm cho thu hoạch từ 4-5 lứa, thu cả thân và lá, sau khi kết thúc chu kỳ khai thác thì thu hoạch củ và trồng lứa mới. Giá thu mua hiện tại của Công ty An Phước là 1.000 đồng/kg tươi. Theo tính toán của Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Thanh Hóa, 01 ha trồng gai cho thu nhập trên 100 triệu đồng/năm, lợi nhuận thu được từ 30 - 40 triệu đồng/ha/năm (tùy loại đất), cao hơn 4-5 lần sản xuất ngô và một số cây trồng bản địa.

Đoàn công tác tỉnh Lào Cai trao đổi về kinh nghiệm, kỹ thuật trồng cây gai xanh AP1

Ở Lào Cai, nhiều địa phương có cây gai sinh sống tự nhiên và được người dân các dân tộc trồng trong vườn nhà để lấy lá làm bánh hoặc làm thuốc. Điều đó khẳng định cây gai xanh AP1 có thể phù hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng và trình độ canh tác của người dân tỉnh Lào Cai, có tiềm năng cho hiệu quả kinh tế cao. Trên cơ sở đó, UBND tỉnh Lào Cai đã có văn bản đề nghị Bộ Nông nghiệp và PTNT đồng ý chủ trương và cho phép tỉnh Lào Cai trồng thử nhiệm giống gai xanh AP1, sau khi thành công tỉnh Lào Cai sẽ lập quy hoạch, ký hợp đồng liên kết với Công ty An Phước về đầu tư phát triển sản xuất và thu mua toàn bộ sản phẩm trong vùng quy hoạch. Mong muốn đây sẽ là bước đột phá trong chuyển đổi cơ cấu cây trồng để nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững trong sản xuất nông nghiệp của tỉnh Lào Cai./.

Ngô Thế Hải

Trung tâm Khuyến nông Lào Cai