Cũng như nhiều tỉnh trong vùng, Long An đang chịu những ảnh hưởng nghiêm trọng của đợt hạn hán và xâm nhập mặn vừa qua. Theo số liệu của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai, diện tích lúa vụ đông xuân 2019-2020 của tỉnh bị ảnh hưởng khoảng 800 ha. Tỉnh cũng đã được Chính phủ hỗ trợ 70 tỷ đồng kinh phí phòng, chống hạn hán, thiếu nước, xâm nhập măn.

Nhằm tiếp sức, hỗ trợ các nông hộ sản xuất nhỏ tại Long An duy trì, phục hồi hoạt động sản xuất, ứng phó hiệu quả với tình hình bất lợi của thời tiết và dịch bệnh Covid-19 một cách bền vững, đảm bảo các sản phẩm thu hoạch đáp ứng yêu cầu ATVSTP và tiêu chuẩn quốc tế, Tập đoàn Bayer phối hợp cùng Tổ chức Tăng trưởng Châu Á và Bộ Nông nghiệp và PTNT triển khai Dự án: “Hỗ trợ nông hộ sản xuất nhỏ ứng phó với đại dịch Covid-19 và hạn mặn tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL)”. Long An được chọn là một trong 7 tỉnh thực hiện dự án.

Dự án thực hiện tại Long An sẽ triển khai tại 21 xã của 6 huyện, thị là: TP Tân An, huyện Bến Lức, Cần Giuộc, Cần Đước, Tân Trụ và Thủ Thừa. 12.000 nông hộ sẽ được hưởng lợi, trong đó có gần 6.000 nông hộ là nữ. Với khoảng 4.000 nông hộ được đào tạo tập huấn ToF.

Ngày 15/10/2020, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia phối hợp với Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp tỉnh Long An đã tổ chức lớp tập huấn (ToT) hướng dẫn thực hiện dự án. Đây là hoạt động đầu tiên trong chuỗi các sự kiện sắp tới để triển khai dự án tại địa phương. Đến thời điểm này, Long An là tỉnh thứ 6 được tổ chức tập huấn ToT.

Đông đảo học viên là cán bộ khuyến nông, cộng tác viên khuyến nông tham gia lớp tập huấn

 

Dự kiến, dự án sẽ tổ chức 40 lớp tập huấn (ToF) hướng dẫn sản xuất lúa bền vững, kỹ năng và kiến thức chăm sóc sức khỏe phụ nữ, phòng chống dịch Covid -19 và phát tặng 12.000 tấn thuốc Aliette và Antracol của tập đoàn Bayer Việt Nam đến các hộ tham gia dự án.

Theo ông Trịnh Hoàng Việt, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp Long An, dự án tại Long An kỳ vọng sẽ đem lại gói giải pháp về sản xuất lúa bền vững, sử dụng thuốc BVTV an toàn, hiệu quả nói riêng và hướng đến nền sản xuất nông nghiệp bền vững nói chung. Đồng thời, tăng cường năng lực phòng chống dịch Covid-19 và kiến thức về chăm sóc sức khỏe cho nữ nông dân. Ngoài ra, dự án góp phần nâng cao năng lực hệ thống cán bộ khuyến nông, năng lực sản xuất của bà con nông dân địa phương.

Theo ông Trần Văn Dũng, Tổ Trưởng dự án tại Long An, sứ mệnh chính của cán bộ khuyến nông khi thực hiện dự án chính là đem lại niềm vui, hạnh phúc trên gương mặt người nông dân, khuyến nông luôn đồng hành cùng bà con trong thực hiện mùa vàng bội thu./.

Tuyết Nhung

Trung tâm Khuyến nông Quốc gia