Trong khuôn khổ Dự án Chuyển đổi nông nghiệp bền vững tại Việt Nam (VnSAT) giai đoạn 2, năm 2020, Viện Lúa Đồng bằng sông Cửu Long đã được Bộ Nông nghiệp&PTNT giao thực hiện hạng mục bổ sung nhiệm vụ hỗ trợ kỹ thuật: “Hoàn thiện quy trình kỹ thuật canh tác lúa bằng máy cấy kết hợp bón phân trong sản xuất lúa bền vững tại Đồng bằng sông Cửu Long”.

Theo đó, vụ Hè Thu 2020, Viện đã thực hiện 05 nghiệm thức bón phân trên hai giống lúa OM5451 (thuộc nhóm giống lúa A1) và OM6976 (thuộc nhóm giống lúa A2) với diện tích thực hiện 2 ha. Đồng thời, vụ Thu Đông 2020, Viện tiếp tục xây dựng 03 điểm trình diễn về mô hình lúa cấy máy kết hợp vùi phân trên 03 vùng sinh thái: ngọt, lợ, phèn tại Cần Thơ, Hậu Giang và Sóc Trăng, với diện tích thực hiện 30 ha (mỗi điểm 10 ha).

Xây dựng 03 điểm trình diễn về mô hình lúa cấy máy kết hợp vùi phân

 

Ngày 24/01/2021, Hội đồng nghiệm thu Bộ NN&PTNT (gồm Cục Trồng trọt, Vụ Khoa học Công nghệ và Môi trường, Trường Đại học Cần Thơ, Dự án VnSAT, các địa phương tham gia gồm Cần Thơ, Hậu Giang và Sóc Trăng cùng một số chuyên gia nông nghiệp) đã tổ chức thẩm định, nghiệm thu đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ.

Qua báo cáo của Viện Lúa và đánh giá, nhận xét của Hội đồng, cho thấy:

- Cơ giới hóa bằng máy cấy kết hợp vùi phân đã làm gia tăng hiệu quả kinh tế một cách thực sự do giảm lượng phân bón, công lao động bón phân, chi phí thuốc BVTV và tăng năng suất lúa, từ đó gia tăng hiệu quả kinh tế. Cụ thể giảm lượng phân bón 10 – 20N, tăng hiệu quả kinh tế hơn 6,0 triệu đồng/ha trong vụ Đông Xuân và hơn 3,2 – 4,0 triệu đồng/ha trong vụ Hè Thu so với cấy máy bón phân thông thường (bón vãi 3 – 4 lần).

- Cơ giới hóa bằng máy cấy kết hợp vùi phân giúp giảm số lần bón phân (1 – 2 lần/vụ); phân được vùi sâu trong đất đảm bảo cung cấp đủ cho cây lúa trong suốt quá trình sinh trưởng và phát triển, cây lúa hấp thu phân hiệu quả hơn, giảm lượng phân bón thất thoát do bốc hơi, hoặc thải ra nguồn nước, gây ô nhiễm môi trường.

Cơ giới hóa bằng máy cấy kết hợp vùi phân giúp cây lúa hấp thu phân hiệu quả hơn

 

Kết quả thực nghiệm và mô hình trình diễn tại các địa phương cũng cho thấy:

- Cơ giới hóa bằng máy cấy kết hợp vùi phân, trong vụ Đông Xuân công thức phân bón 80N-45P2O5-45K2O và 90N-45P2O5-45K2O là công thức phân bón phù hợp nhất cho từng nhóm giống A1 và A2. Đối với vụ Hè Thu, 70N-40P2O5-30K2O là công thức phân bón phù hợp cho cả hai nhóm giống A1 và A2.

- Ở mức phân bón khuyến cáo này, không những giúp tiết kiệm được một lượng đáng kể so với mức phân bón sử dụng phổ biến ngoài sản xuất hiện nay (tiết kiệm 10 – 20 N), mà còn giúp gia tăng phẩm chất lúa gạo (tỉ lệ gạo nguyên cao hơn, tỉ lệ gạo bạc bụng thấp hơn và hàm lượng amylose cũng thấp hơn, giúp hạt cơm mềm hơn, dẽo hơn…).

- Phương pháp bón phân vùi khi cấy được nhóm tác giả thực hiện khuyến cáo:

+  Lần 1: Vùi phân khi cấy, bón 2/3 tổng lượng đạm + tổng lượng lân + ½ kali;

+ Lần 2: Từ 37 – 42 ngày sau cấy, bón 1/3 tổng lượng đạm + ½ tổng lượng phân kali, giám sát màu lá lúa (bảng so màu, máy đo SPAD) để điều chỉnh lượng phân bón thích hợp.

Nhóm tác giả khuyến cáo phương pháp bón phân vùi khi cấy

 

Qua khảo sát, đánh giá thị trường máy cấy tại Tp.HCM, ĐBSCL, Bình Dương, Hà Nội…, nhóm tác giả cũng cho biết hiện nay trên thị trường có các dòng máy cấy tự hành, đa chức năng sau có thể sử dụng phục vụ cho cấy máy kết hợp vùi phân:

+  Dòng máy VP7D25, YR70D, YR60D của Yanmar (Nhật Bản);

+  Dòng máy RGO-60 của Yamaha Power (Hàn Quốc)

Có thể nói, cấy kết hợp vùi phân là kỹ thuật hiệu quả cần được khuyến cáo nhân rộng trong sản xuất để thay thế phương pháp cấy máy và bón phân thông thường. Bón vùi sâu phân đạm là biện pháp hiệu quả để giảm sự bốc hơi phân bón. Bón vùi phân có thể làm phân bố thành phần dinh dưỡng đến rễ, giảm mất đi thành phần dinh dưỡng, gia tăng hấp thụ ure của cây, tăng hiệu suất sử dụng phân đạm./.

Ngô Văn Đây