Thực hiện chủ trương tái cơ cấu Ngành Nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững; năm 2019, Trung tâm Khuyến nông Bạc Liêu xây dựng chuỗi liên kết nuôi tôm sú, thẻ chân trắng đạt tiêu chuẩn VietGAP. Mục tiêu của chương trình là xây dựng mô hình trình diễn nuôi tôm thẻ chân trắng thâm canh đạt tiêu chuẩn VietGAP tại huyện Đông Hải, tỉnh Bạc Liêu.

Mô hình trình diễn nuôi tôm thẻ chân trắng thâm canh đạt tiêu chuẩn VietGAP tại huyện Đông Hải

 

Mô hình trình diễn được triển khai tại xã Long Điền Đông với quy mô 2.000mmặt nước/2 hộ, mật độ thả 250 con/m2. Hai hộ tham gia mô hình được Nhà nước hỗ trợ kỹ thuật và hỗ trợ 100% chi phí mua tôm giống, 30% chi phí mua các loại vật tư, bao gồm: thức ăn, thuốc, chế phẩm sinh học; các chủ hộ tham gia mô hình đối ứng phần còn lại theo đúng yêu cầu kỹ thuật.

Kết quả sau 4 – 4,5 tháng nuôi sản lượng đạt 11,9 tấn, kích cỡ 25 – 44 con, tỷ lệ sống trung bình 75%. Tuy nhiên, thời điểm thu hoạch tôm bị ảnh hưởng của dịch bệnh corona-19 nên thị trường xuất khẩu tôm Việt Nam những tháng đầu năm giảm mạnh gần 20% so với cùng kỳ dẫn đến giá tôm thương phẩm trong nước xuống thấp gây ảnh hưởng không nhỏ đến lợi nhuận của 2 hộ tham gia mô hình.

Tại hộ thứ nhất, khi tôm được 40 ngày tuổi có dấu hiệu bị bệnh, đã dùng các biện pháp xử lý nên tôm chậm lớn. Sau 4 tháng nuôi đạt 4,1 tấn/1.000m2, tỷ lệ sống 72% (size 44 con/kg), giá bán 132.000 đồng/kg, lợi nhuận 131 triệu đồng.

Hộ thứ hai, sau 4,5 tháng nuôi đạt 7,8 tấn/1.000m2, tỷ lệ sống 78% (size 25 con/kg), giá bán 186.000 đồng/kg, lợi nhuận 624 triệu đồng.

Qua đánh giá của cơ quan chuyên môn, cán bộ kỹ thuật và chủ hộ, mô hình “Nuôi tôm thẻ chân trắng thâm canh đạt tiêu chuẩn VietGAP” có ưu điểm là nuôi mật độ cao, quản lý tốt mầm bệnh, thức ăn, hạn chế ô nhiễm môi trường do tái sử dụng nước, tôm lớn nhanh, lợi nhuận cao. Đồng thời trong quá trình nuôi chỉ sử dụng vi sinh để phân hủy chất hữu cơ, ổn định môi trường ao nuôi, không sử dụng kháng sinh cấm trong nuôi trồng thủy sản, tạo sản phẩm sạch đạt tiêu chuẩn xuất khẩu. Cần khuyến cáo nhân rộng trong vùng để nhiều người áp dụng làm theo, nhằm nâng cao hiệu quả kinh tế của gia đình và góp phần bảo vệ môi trường, phát triển nghề nuôi tôm theo hướng có trách nhiêm, ổn định và bền vững.

Kim Yến – Bích Liên 

Trung tâm Khuyến nông Bạc Liêu