Trong quá trình sản xuất các hộ dân tham gia mô hình được tập huấn kỹ thuật canh tác rau an toàn theo hướng VietGAP. Các doanh nghiệp thu mua rau có trách nhiệm phối hợp với Cục vệ sinh an toàn thực phẩm, các nhà máy sản xuất, đối tác xuất khẩu và Chi cục bảo vệ thực vật Nghệ An lấy mẫu sản phẩm phân tích chỉ tiêu vệ sinh an toàn thực phẩm, tập huấn kỹ thuật sơ chế, thu mua sản phẩm tiêu thụ sản phẩm.

 

Sau 6 tháng triển khai, mô hình đã cho hiệu quả kinh tế trên một số loại cây chủ lực như sau: Cây ớt cay chỉ thiên là cây trồng chính với giá bán sỉ là 6000 đồng/kg và bán lẻ ngoài chợ đầu mối từ 12- 20 đồng/kg ớt quả chín đã cho lãi ròng từ 4 - 7 triệu đồng/sào (1 sào = 500m2). Cây xà lách tây cũng cho lãi ròng trên 1,7 triệu đồng/sào, bí đỏ Nhật 1,6 triệu đồng/sào, cải thảo trên 1,5 triệu đồng/sào Từ hiệu quả mang lại của mô hình cây trồng mới người dân các xã ven thành phố rất phấn khởi.

 

Từ kết quả vụ Hè thu, vụ Đông Xuân tới, các địa phương cần chỉ đạo quyết liệt, tăng cường trách nhiệm nhà quản lý, doanh nghiệp và các hộ dân cùng với sự hỗ trợ về cơ chế chính sách, hỗ trợ kinh phí, kỹ thuật sản xuất canh tác cho bà con nông dân để tiếp tục triển khai hiệu quả vùng sản xuất rau an toàn theo hướng VietGAP. Bên cạnh đó các doanh nghiệp cần gắn kết với các hộ dân trong quá trình sản xuất bao tiêu sản phẩm nâng cao thu nhập cho người dân.

 

Thành công của mô hình đã mở ra hướng phát triển kinh tế đảm bảo các yếu tố về môi trưởng, tạo công ăn việc làm cho người lao động với nguồn thu nhập cao gấp 3-4 lần so với trồng các loại cây khác. Cùng với việc chuẩn bị tốt nguồn giống, bà con nông dân được tiến hành tập huấn về kỹ thuật, tham gia mô hình đạt hiệu quả cao, tham quan học tập kinh nghiệm từ những hộ thành công. Tính đến thời điểm này, bà con nông dân đã triển khai làm đất để trồng mới khoảng 20 ha rau an toàn tại 3 Xã Nghi Kim, Nghi Liên và Nghi Ân, sau đó sẽ mở rộng diện tích trồng rau tại các xã ngoại thành của thành phố.

 

Vũ Xuân Nam - Trạm KN tp Vinh, Nghệ An