Trong khi đó, nhu cầu gỗ để xây dựng và làm nội thất rất lớn và đang tăng mạnh. Do đó phát triển trồng rừng gỗ lớn thâm canh là chủ trương phù hợp. Đây cũng là giải pháp cần thiết để thực hiện chiến lược nâng cao giá trị cho ngành lâm nghiệp.

Được sự hỗ trợ của Trung tâm Khuyến nông Quốc gia, Trung tâm Khuyến nông Nghệ An đã triển khai dự án “Xây dựng và phát triển mô hình áp dụng đồng bộ các tiến bộ kỹ thuật trồng rừng gỗ lớn mọc nhanh” giai đoạn 2016-2018.

Dự án thực hiện tại xã Bắc Sơn và xã Châu Thành của huyện Quỳ Hợp với qui mô 38 ha. 20 hộ tham gia dự án đều là người dân tộc thiểu số. Dự án đưa giống keo lai nuôi cấy mô vào trồng thâm canh tại địa phương, đồng thời áp dụng đồng bộ các khâu từ chọn lập địa, giống, xử lý thực bì, làm đất và phân bón, trồng chăm sóc, bảo vệ, tỉa cành để tạo ra rừng cây gỗ lớn. Mật độ trồng là 1.330 cây/ha.

Quá trình triển khai thực hiện dự án gặp những khó khăn về điều kiện địa hình lập địa, không chủ động giống, một chu kỳ trồng rừng gỗ lớn từ 12-15 năm nên người dân trồng rừng không mặn mà với dự án. Tuy nhiên, Trung tâm Khuyến nông tỉnh phối hợp cùng với các ban ngành địa phương đã thuyết phục người dân và thống nhất thực hiện dự án. Các hộ dân tham gia dự án được hỗ trợ cây giống (giống keo lai mô BV10, BV16, BV32), phân bón, tập huấn kỹ thuật trồng, chăm sóc, bảo vệ rừng. Ngoài học lý thuyết, những người dân tham gia dự án còn được thực hành ở hiện trường, vì vậy các hộ đã nắm chắc và thực hiện đúng quy trình kỹ thuật trong trồng rừng cây gỗ lớn thâm canh.

Kết quả bước đầu cho thấy các giống cây keo lai mô phù hợp với điều kiện tự nhiên của địa phương , tỷ lệ cây sống đạt 95-97 %, cây sinh trưởng, phát triển mạnh hơn so với cây trồng hom cành và hạt tại địa phương. Sau 5 tháng trồng, cây đạt chiều cao từ 1,4 - 1,6 m, đường kính gốc từ 2,0-2,5 cm. Những kết quả này giúp người dân tin tưởng vào dự án, có động lực để chăm sóc bảo vệ rừng tốt hơn.

Sau 5 tháng trồng, cây đạt chiều cao từ 1,4 - 1,6 m, đường kính gốc từ 2,0-2,5 cm.

Việc thực hiện dự án đã giúp nông dân vùng sâu, vùng xa thay đổi nếp nghĩ, cách làm, thay đổi tập quán sản xuất, nâng cao năng suất, chất lượng rừng trồng, tạo công ăn việc làm cho người dân địa phương, tăng thu nhập cho người trồng rừng. Đồng thời tạo nguồn nguyên liệu cho công nghiệp chế biến và xuất khẩu.

Nguyễn Hữu Đức

Trung tâm Khuyến nông Nghệ An