Mô hình được triển khai tại hộ bà Nguyễn Thị Hà, xóm Sen 1, xã Kim Liên, huyện Nam Đàn. Tham gia mô hình, hộ dân được hỗ trợ 40% chi phí giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, các loại vật tư  thiết yếu và lắp đặt hệ thống tưới nhỏ. Ngoài ra, cán bộ khuyến nông còn tập huấn kỹ thuật cho bà con và theo dõi chỉ đạo mô hình từ khi trồng đến khi thu hoạch.

Áp dụng sản xuất dưa lưới công nghệ cao trong nhà màng sẽ hạn chế được các tác nhân gây hại, cây dưa luôn đủ ẩm, phân bón được cung cấp cân đối, hợp lý nên cây sinh trưởng phát triển tốt, tỷ lệ đậu quả cao, trọng lượng quả cao hơn so với sản xuất đại trà. Sau 3 tháng thực hiện, mô hình đã thực sự đem lại hiệu quả kinh tế cao, năng suất bình quân đạt 4,05 tấn/1.000m2. Với giá thu mua tại ruộng ở thời điểm hiện tại là 45.000 đồng/kg, tính ra trừ chi phí đầu tư, năm đầu tiên sản xuất dưa lưới cho lãi 24.211.400 đồng/1.000m2 (tương đương 242.114.000 đồng/ha).

Các đại biểu dự hội thảo tham quan mô hình sản xuất dưa lưới công nghệ cao trong nhà màng tại xã Kim Liên, huyện Nam Đàn, Nghệ An

Thành công của mô hình sản xuất dưa lưới công nghệ cao trong nhà màng là cơ sở để bà con xã Kim Liên nói riêng và huyện Nam Đàn nói chung xây dựng cơ cấu chuyển đổi sản xuất theo hướng công nghệ cao hàng năm hợp lý, nâng cao hiệu quả kinh tế trên diện tích canh tác, từ đó phát huy thế mạnh sẵn có của vùng. Việc sản xuất nông nghiệp công nghệ cao đã tạo ra sản phẩm sạch tại địa phương, tạo điều kiện cho việc tiêu thụ sản phẩm thuận lợi, đặc biệt là giúp thay đổi nhận thức, tập quán sản xuất truyền thống của bà con nông dân.

Qua hội thảo tổng kết mô hình, người dân rất phấn khởi vì nhờ sự quan tâm của các cấp chính quyền mà nông dân đã được tiếp cận với những tiến bộ khoa học kỹ thuật mới, mặt khác được tiếp cận với các giống mới có năng suất và chất lượng tốt để đưa vào thâm canh nên mới đạt được hiệu quả đáng mừng như vậy.

Trần Hoài Phương

                                    Trạm Khuyến nông huyện Nam Đàn- Nghệ An