Trong 5 năm, từ 2016 đến 2020, Trung tâm Khuyến nông tỉnh thực hiện các mô hình mới và thâm canh các loại cây ăn quả như chôm chôm, măng cụt, bơ sáp, bưởi da xanh, mãng cầu và táo theo hướng VietGAP với tổng quy mô 65,5 ha trên địa bàn huyện Ninh Phước, Thuận Nam, Ninh Hải, Ninh Sơn và Bác Ái. Trong quá trình thực hiện mô hình, đã nhân rộng được 4,8 ha bưởi da xanh và 0,4 ha mãng cầu tại huyện Ninh Sơn và Ninh Phước. Đến năm 2021, Trung tâm thực hiện xây dựng 14 ha mô hình thâm canh cây bưởi da xanh theo hướng VietGAP tại xã Nhị Hà, huyện Thuận Nam và mô hình thâm canh cây táo theo hướng VietGAP tại xã Mỹ Sơn, huyện Ninh Sơn.

Ngoài mô hình trồng mới cây chôm chôm, măng cụt, bơ sáp đang trong giai đoạn kiến thiết cơ bản chưa đánh giá hiệu quả, thì các mô hình khác đã cho những tín hiệu tích cực. Cụ thể, tại xã Phước Bình (Bác Ái), nông dân trồng 1 ha bưởi da xanh mỗi năm thu hoạch được hơn 12 tấn, giá bán 35.000 đồng kg, sau khi trừ chi phí thu lãi hơn 360 triệu đồng/ha, cao hơn so với trồng bắp 300 triệu đồng. Đối với cây mãng cầu tập trung nhiều ở xã Phước Trung, Phước Chính, Phước Đại (Bác Ái), Phước Hà, Nhị Hà (Thuận Nam), xã Phước Vinh (Ninh Phước) cũng cho lợi nhuận cao, đạt gần 300 triệu đồng/ha/năm.

Cán bộ khuyến nông hướng dẫn nông dân bao trái để sản phẩm đật chất lượng cao hơn

 

Điển hình là mô hình thâm canh 0,7 ha mãng cầu theo VietGAP của gia đình ông Thiêng ở xã Phước Vinh, huyện Ninh Phước. Với cây na mãng cầu giống Hoàng Hậu được trồng từ năm 2017 đến nay, ông có thể thu hoạch từ 30-40 kg/vụ, giá bán cao gấp 2-3 lần so với mãng cầu ta đã giúp ông thu về lợi nhuận tới 700 triệu đồng mỗi năm.

Hiện nay, tỉnh Ninh Thuận cũng đang tạo điều kiện cho các địa phương phát triển chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ giữa các hộ dân, trang trại, hợp tác xã với các doanh nghiệp, hệ thống siêu thị để sản phẩm có đầu ra đa dạng, bền vững, mang lại nhiều lợi ích kinh tế lâu bền cho người dân.

Cơ Nguyên

Trung tâm Khuyến nông Ninh Thuận