Tuy nhiên, trong thời gian qua, vào vụ thu hoạch thì lượng thân cây lúa và bắp bị bỏ đi tương đối nhiều, người dân đốt bỏ vừa gây lãng phí lại gây ô nhiễm môi trường, trong khi đó vào mùa khô hạn và mùa mưa thì gia súc lại thiếu thức ăn.

Trước tình hình đó, năm 2019, được sự hỗ trợ kinh phí của dự án "Xây dựng mô hình sản xuất, chế biến, bảo quản thức ăn thô xanh cho chăn nuôi đại gia súc thích ứng với tình hình hạn hán, ngập mặn", Trung tâm Công nghệ sinh học Chăn nuôi (thuộc Phân Viện Chăn nuôi Nam Bộ) phối hợp với Trung tâm Khuyến nông tỉnh Ninh Thuận triển khai mô hình chế biến thức ăn (ủ rơm với urê và ủ chua thân bắp) cho đại gia súc, trên địa bàn 2 xã Phước Sơn và Phước Vinh, với quy mô 60 hộ dân tham gia.

Mục đích của dự án nhằm tận dụng nguồn phụ phẩm nông nghiệp để dự trữ thức ăn cho gia súc trong mùa khô hạn, mùa mưa; tăng hàm lượng dinh dưỡng trong thức ăn; tăng tỷ lệ tiêu hóa thức ăn của gia súc; giúp người chăn nuôi nắm được quy trình chế biến thức ăn.

Tham gia mô hình các hộ được hỗ trợ 100% vật tư như: rỉ mật đường, phân urê, muối hột, men vi sinh, túi ủ kịp thời.

Tháng 3/2019, Trung tâm Khuyến nông Ninh Thuận đã hướng dẫn cho 60 hộ tham gia mô hình kỹ thuật ủ chua thức ăn cho gia súc, trong đó tập huấn kỹ thuật ủ rơm với urê cho 30 hộ, các hộ còn lại được tập huấn kỹ thuật ủ chua thân bắp.

Đến nay, phần lớn các hộ tham gia mô hình đã nắm rõ kỹ thuật ủ và chủ động ủ thêm thức ăn dự trữ cho gia súc

Quy trình ủ rơm với urê như sau:

100 kg rơm với 100 lít nước + 4 kg urê + 2 kg rỉ mật đường + 1 kg muối.

Hòa tan urê, rỉ mật đường, muối với nước, tưới đều lên rơm theo tỷ lệ như trên, cho vào túi ni lông, nén chặt, cột kín hoặc hố ủ phủ kín. Đối với rơm rời thì sau 7 ngày có thể dùng cho gia súc ăn; đối với rơm cuộn thì sau 15 ngày có thể dùng cho gia súc ăn.

Quy trình ủ chua thân bắp như sau:

100 kg thân bắp với 5 kg rỉ mật đường + 2 kg muối ăn + 0,1 kg men vi sinh (hoặc 5 – 7 kg cám gạo, cám bắp).

Băm nhỏ thân cây bắp, phơi héo từ 2 – 5 giờ, trộn đều thân bắp với rỉ mật đường, muối ăn, men vi sinh với tỷ lệ nêu trên, nén chặt và cột kín vào túi ủ ni lông hoặc hố ủ, sau 21 ngày là sử dụng được.

Bước đầu mô hình được đánh giá cao và được nhiều hộ dân đặc biệt quan tâm. Bà con nông dân sau khi được tập huấn kỹ thuật đã nắm bắt và từng bước áp dụng các tiến bộ khoa học vào trong quá trình ủ như: Pha trộn nguyên liệu với vật tư đúng theo tỷ lệ hướng dẫn, đặt túi ủ đúng vị trí thuận lợi trong việc cho ăn cũng như tránh hư hại nguyên liệu.... Kết quả 60 hộ/02 xã tham gia mô hình đều thực hiện tốt, nhiều hộ còn đặt mua thêm nguyên vật liệu để thực hiện ủ, đặc biệt có hộ đã ủ chua thân bắp với khối lượng 5 tấn.

                                                Phạm Thị Minh Loan

TT Khuyến nông Ninh Thuận