Đến nay, dự án đã xây dựng được 7 mô hình trình diễn, trong đó có 2 mô hình nuôi cá tầm, 3 mô hình nuôi cá diêu hồng và 2 mô hình nuôi cá lăng. Kết quả, hiện cá tầm đạt trọng lượng bình quân 1,0 - 1,2 kg/con; tỷ lệ sống tại tỉnh Hòa Bình đạt khoảng 72%; cá diêu hồng đạt từ 500 - 600 kg/con; tỷ lệ sống khoảng 80%, năng suất thu được trên 44 kg/m3; cá lăng đạt 1,2 kg/con, tỷ lệ sống đạt trên 80%.

Vừa qua, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia phối hợp với Sở Nông nghiệp và PTNT Hòa Bình tổ chức hội thảo “Đánh giá hiệu quả và khả năng nhân rộng dự án nuôi cá lồng bè trên sông và hồ chứa đảm bảo an toàn thực phẩm tại một số tỉnh miền núi phía Bắc”. Tại Hội thảo, Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia Kim Văn Tiêu cho biết: Miền núi phía Bắc là vùng có nhiều tiềm năng và lợi thế lớn để phát triển thủy sản, nhất là nghề nuôi cá lồng trên sông, hồ. Những năm gần đây, nghề nuôi cá lồng bè trên hồ chứa ở các tỉnh trong vùng phát triển rất mạnh, có ý nghĩa rất lớn về cả mặt kinh tế, xã hội và môi trường, vừa giúp bà con tận dụng diện tích mặt nước ở các hồ chứa vốn bỏ không, vừa tạo công ăn việc làm cho bà con dân tộc thiểu số, giúp họ có thu nhập cao hơn nuôi ao hồ thông thường. Đối tượng nuôi có giá trị cao được đưa vào nuôi thâm canh như: cá chiên, cá lăng, cá bỗng, cá trắm đen, cá rô phi, cá tầm, cá lóc, cá vược… được phát triển mạnh.

Toàn cảnh Hội nghị

Điển hình ở là nuôi cá lồng trên vùng hồ Sông Đà của tỉnh Hòa Bình phát triển khá mạnh, có 4.050 lồng nuôi, đã hình thành một số điểm nuôi tập trung như khu vực xóm Vôi xã Thái Thịnh thành phố Hòa Bình; Thung Nai huyện Cao Phong; xã Hiền Lương huyện Đà Bắc; Ngòi Hoa huyện Tân Lạc; Phúc Sạn huyện Mai Châu... Tất cả doanh nghiệp đều đầu tư cải tiến hệ thống lồng, thiết kế làm bằng lồng lưới, khung sắt chắc chắn (chiếm 60% tổng số lồng nuôi), mỗi lồng có thể tích từ 100 - 120 m3, có thể nuôi được mật độ nhiều, khi thu hoạch mỗi lồng đạt 4 - 4,5 tấn cá/lồng. Nổi bật là Công ty TNHH Thủy sản Hải Đăng có quy mô lớn 160 lồng nuôi trên khu vực hồ Hòa Bình, áp dụng công nghệ tiên tiến. Đối tượng nuôi chủ yếu là cá lăng, vược, chép giòn, trắm giòn..., sản lượng khoảng 300 tấn/năm. Quy trình nuôi nghiêm ngặt từ khâu chọn giống đến quá trình chăm sóc và phòng trừ dịch bệnh, bảo đảm an toàn thực phẩm, thức ăn cho cá hoàn toàn là thức ăn tự chế biến từ cá tạp mua thu gom trên lòng hồ và bột đậu tương nhập khẩu từ Úc. Công ty đã xây dựng được 30 cửa hàng thực phẩm sạch để cung cấp cho các nhà hàng, khách sạn tại thị trường Hà Nội và một số tỉnh trong vùng, mỗi tháng tiêu thụ 15-25 tấn cá. Công ty là một trong những doanh nghiệp tham gia chương trình liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm cá sông Đà theo chuỗi giá trị.

Ông Nguyễn Văn Tuyển - Công ty TNHH Thủy hải sản Hải Đăng giới thiệu mô hình nuôi cá lồng theo VietGAP trên lòng hồ thủy điện sông Đà

Từ những thành công của các doanh nghiệp, hiện nay, nhiều hộ gia đình  cũng đã đầu tư làm lồng lưới khung sắt để nuôi cá. Tuy nhiên, nghề nuôi cá lồng bè cũng gặp nhiều khó khăn như cơ sở hạ tầng sản xuất giống thủy sản kém, mới đáp ứng được khoảng 30% nhu cầu về giống của nhân dân, chưa hình thành được chuỗi liên kết, chuỗi giá trị sản phẩm, trong khi đó thị trường tiêu thụ còn ít, chưa đẩy mạnh quảng bá thương hiệu.

Chia sẻ tại Hội thảo, ông Hoàng Văn Hợp ở xã Bế Triều, huyện Hòa An, tỉnh Cao Bằng bộc bạch: Gia đình đã nuôi cá lồng hơn 10 năm, đối tượng nuôi chủ yếu là cá rô phi nhưng vẫn phải ra chợ bán, giá bán lại thấp nên thu lãi chẳng được là bao. Từ khi được tham gia mô hình, ông đã được tiếp cận với tiến bộ kỹ thuật và đối tượng nuôi mới (cá lăng), đến nay cá đạt cỡ 1 kg/con, tỷ lệ sống 85%, đầu ra đã kết nối với Lạng Sơn và Cao Bằng để tiêu thụ. Dự kiến sẽ thu lãi cao gấp đôi so với nuôi cá rô phi.

Tuy nhiên, nhiều địa phương có nghề nuôi cá lồng phát triển như Tuyên Quang, Cao Bằng, Bắc Kạn, Điện Biên... cũng đồng quan điểm cần có cơ chế chính sách hỗ trợ nuôi cá lồng, tăng cường liên kết nhằm thúc đẩy quảng bá và tiêu thụ sản phẩm đến người tiêu dùng.

Tổng kết Hội thảo, PGĐ. Trung tâm Khuyến nông Quốc gia Kim Văn Tiêu nhận định: Nuôi cá lồng bè trên hồ chứa là mô hình nuôi mới tại một số địa phương như Cao Bằng, Bắc Kạn, Lai Châu, Lào Cai và Điện Biên đặc biệt đối với một số đối tượng thủy đặc sản cá lăng và cá tầm. Do vậy, người nuôi chưa có nhiều kinh nghiệm về kỹ thuật thiết kế lồng bè, lựa chọn vị trí nuôi và kỹ thuật nuôi nên trong quá trình triển khai mô hình còn gặp nhiều vướng mắc ở các bước xử lý kỹ thuật, đặc biệt khâu phòng và trị bệnh cho cá nuôi.

Một số giải pháp nhằm phát triển mô hình nuôi cá lồng bè trên sông và hồ chứa đạt hiệu quả hơn, đó là:

- Tăng cường công tác quản lý chất lượng cá giống. Đầu tư nghiên cứu sinh sản nhân tạo các loại giống thủy sản nước ngọt chất lượng, năng suất cao, sức đề kháng tốt, kháng bệnh.

- Tăng cường tập huấn kỹ thuật, tổ chức các điểm trình diễn mô hình nuôi cá lồng bè trên sông và hồ chứa cho nông dân tham quan, học hỏi kinh nghiệm, nhằm tăng hiệu quả sản xuất.

- Nhân rộng mô hình nuôi cá lồng trên sông và hồ chứa ngoài đảm bảo chất lượng an toàn thực phẩm cần đặc biệt quan tâm đến việc xây dựng thương hiệu cho sản phẩm và xúc tiến thương mại để sản phẩm sản xuất ra có thị trường tiêu thụ và phát triển bền vững. Xây dựng các tổ hợp tác, hợp tác xã, mô hình nuôi theo chuỗi giá trị, sản phẩm sản xuất ra cần phải xây dựng đăng ký thương hiệu để đảm bảo lợi ích và hiệu quả của người chăn nuôi.

Với những tiềm năng, lợi thế về địa lý, đặc điểm khí hậu, điều kiện môi trường của vùng Trung du miền núi phía Bắc, cùng sự hỗ trợ về cơ chế chính sách, liên kết sản xuất của doanh nghiệp và người nuôi cá, hy vọng nghề nuôi cá lồng trong lồng bè sẽ ngày càng phát triển và dự án “Xây dựng mô hình nuôi cá tầm, cá lăng, cá diêu hồng trong lồng bè đảm bảo an toàn thực phẩm tại một số tỉnh miền núi phía Bắc” sẽ thành công và có khả năng nhân rộng mô hình ra toàn vùng.

Thu Hằng