Tuy nhiên, khoảng chục năm trở lại đây, nghề nuôi tôm nước lợ phát triển không ổn định. Nhiều người phát triển tốt (lãi trung bình 600 - 700 triệu đồng/ha/vụ) nhưng cũng có rất nhiều người thua lỗ. Điểm đáng lưu ý, môi trường xuống cấp, ô nhiễm, dịch bệnh xảy ra liên tiếp trên các vùng nuôi, vụ nuôi, đối tượng nuôi. Nếu cứ để tình trạng này kéo dài thì sau này dù có tập trung nhiều công sức, tiền của cũng không thể lấy lại được sự trong sạch của môi trường để tổ chức nuôi tôm hiệu quả như những ngày đầu.

Để thực hiện tốt nhiệm vụ khuyến nông, góp phần giảm bớt những lo toan đang đè nặng trên đôi vai người nông dân, từng bước phát triển ổn định nghề nuôi tôm, trong các năm qua, hệ thống khuyến nông tỉnh Phú Yên đã thực hiện nhiều mô hình, sáng kiến đạt hiệu quả cao, bền vững. Cụ thể:

- Năm 2008 – 2009, khuyến nông tỉnh Phú Yên thực hiện sáng kiến: “Giải pháp phát triển bền vững nuôi tôm nước lợ”. Nội dung của sáng kiến là gây màu nước, ổn định tảo bằng phân trùn; cho tôm ăn “thức ăn + dịch trùn” nhằm bổ sung các chất dinh dưỡng như đạm, acid amin, các vi khuẩn có lợi, vitamin, các nguyên tố vi lượng Zn, Selenium… , qua đó tăng sức đề kháng, phòng trừ dịch bệnh trên tôm nuôi. Sáng kiến áp dụng vào thực tế sản xuất thông qua các mô hình tại các vùng nuôi của thị xã Sông Cầu, huyện Tuy An, TP Tuy Hòa, huyện Đông Hòa đạt hiệu quả cao, ổn định, lãi 259,75 triệu đồng/6 hộ/vụ. Người dân rất phấn khởi trước kết quả đạt được. Sáng kiến được tặng thưởng giải Ba tại Hội thi Sáng tạo Kỹ thuật tỉnh Phú Yên lần III (2008 – 2009).

- Năm 2009 – 2010, để ngăn chặn tình trạng môi trường ngày càng xuống cấp, ô nhiễm, khuyến nông Phú Yên tiếp tục thực hiện sáng kiến: “E.M Trùn – Giải pháp bù đắp sinh học để phát triển nuôi tôm bền vững”, áp dụng vào thực tế sản xuất thông qua các mô hình nuôi tôm hùm tại Vũng Rô, nuôi tôm chân trắng ở các vùng nuôi huyện Đông Hòa, TP Tuy Hòa. Các mô hình đạt hiệu quả cao, bền vững. Tôm chân trắng cho lãi 244 triệu đồng/3 hộ/vụ. Tôm hùm cho lãi 500 triệu đồng/1 hộ/vụ. Sáng kiến đã giúp người dân mở rộng, thực hiện có hiệu quả trên các đối tượng nuôi nước mặn (tôm hùm); nước lợ (tôm sú, tôm chân trắng), đạt giải Ba Hội thi Sáng tạo Kỹ thuật tỉnh Phú Yên lần IV (2010–2011), vinh dự được Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam tặng Bằng Lao động Sáng tạo.

- Năm 2012, để khống chế, ngăn chặn dịch bệnh hoại tử gan tụy trên tôm nuôi, khuyến nông tỉnh thực hiện sáng kiến “Nuôi tôm nước lợ kết hợp cá rô phi (luân canh, xen canh)” áp dụng vào thực tế sản xuất đạt hiệu quả cao, ổn định. Sáng kiến thực hiện thông qua mô hình tại hộ ông Nguyễn Hải – phường Phú Đông, TP Tuy Hòa trong 2 năm. Vụ 2 năm 2012 nuôi cá rô phi lãi 60 triệu đồng/ha/vụ cùng với việc cải tạo, làm sạch môi trường ao nuôi. Vụ 1 năm 2013 nuôi tôm chân trắng giúp môi trường trong sạch, tôm khỏe mạnh, phát triển tốt, lãi 600 triệu đồng/ha/vụ. Các đối tượng nuôi đều không bị dịch bệnh nên người dân rất phấn khởi trước kết quả đạt được. Với kết quả trên, sáng kiến đạt giải Khuyến khích Hội thi Sáng tạo Kỹ thuật tỉnh Phú Yên lần V (2012 – 2013). 

- Năm 2014, do môi trường ngày càng xuống cấp, ý thức quản lý cộng đồng vùng nuôi của một số bà con còn thấp, dịch bệnh vẫn còn xảy ra, những cán bộ khuyến nông tiếp tục đầu tư, nghiên cứu thực hiện công nghệ mới, giải pháp: “Kỹ thuật nuôi tôm theo công nghệ Semi Biofloc” áp dụng tại các mô hình nuôi tôm của hộ Lê Thanh Hải (huyện Đông Hòa), hộ Trần Văn Sinh (TP Tuy Hòa), hộ Huỳnh Xuân Sỹ (huyện Tuy An). Mo hình cho lãi 1.491.000.000 đồng/3 hộ/vụ. Sáng kiến đạt giải Ba Hội thi Sáng tạo Kỹ thuật tỉnh Phú Yên lần VI (2014 – 2015), vinh dự được Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam tặng Bằng Lao động Sáng tạo.

- Năm 2016, khi người dân đã thực hiện thành công công nghệ Semi Biofloc, đã quen dần với các yêu cầu rất khác của công nghệ mới “công nghệ Biofloc” so với công nghệ cũ, khuyến nông Phú Yên tập trung thực hiện sáng kiến: “Ứng dụng E.M Trùn vào nuôi tôm theo công nghệ Biofloc thay thế công nghệ nuôi truyền thống”. Giải pháp này được áp dụng tại các ao nuôi tôm của hộ Phan Văn Đoàn ở xã Xuân Cảnh, thị xã Sông Cầu và hộ ông Nguyễn Văn An ở xã Xuân Cảnh, thị xã Sông Cầu. Mô hình cho lãi 1.350.000.000 đồng/2 hộ/vụ. Giải pháp được Sở Nông nghiệp & PTNT Phú Yên công nhận sáng kiến năm 2016, vinh dự đạt giải Nhì Hội thi Sáng tạo Kỹ thuật tỉnh Phú Yên lần VII (2016 – 2017).

Hoạt động nghiên cứu, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất mà hệ thống khuyến nông Phú Yên thực hiện trong thời gian qua đã giúp người nuôi tôm thu lợi nhuận, hạn chế dịch bệnh trong quá trình nuôi, đồng thời góp phần cải tạo môi trường. Đây là một trong các giải pháp tốt nhất để nghề nuôi trồng thủy sản của tỉnh nhà phát triển bền vững.

Ao nuôi tôm chân trắng theo công nghệ biofloc ở thị xã Sông Cầu

Huỳnh Văn Vũ

Trạm Tư vấn Dịch vụ Khuyến nông Phú Yên