Mô hình áp dụng quy trình kỹ thuật của Trung tâm Khuyến nông Phú Yên với lượng thức ăn bình quân 3 kg/con/ngày, thức ăn thô xanh bình quân 20 kg/con/ngày, nuôi nhốt tại chuồng, cung cấp đầy đủ nước sạch và vệ sinh chuồng trại sạch sẽ và tẩy nội, ngoại ký sinh trùng trước khi nuôi vỗ béo. Các hộ tham gia mô hình đều được tập huấn kỹ thuật vỗ béo bò thịt; kỹ thuật chế biến một số loại thức ăn cho bò; công tác thú y; cách quản lý đàn bò và tính hiệu quả kinh tế; đo tính trọng lượng bò… 

Trong quá trình thực hiện mô hình, cán bộ kỹ thuật thường xuyên đo tính khả năng tăng trọng của bò, hàng tháng kiểm tra giám sát, đôn đốc, hướng dẫn các hộ dân chăm sóc, phòng trừ bệnh kịp thời và vệ sinh chuồng trại, máng ăn, nước uống cho đàn bò. Sau 3 tháng vỗ béo, đàn bò ở các hộ gia đình đều sinh trưởng, phát triển tốt, không có dịch bệnh, trọng lượng bò tăng bình bình quân 793 gam/con/ngày, cao hơn yêu cầu của mô hình đề ra 93 gam/con/ngày, thu nhập bình quân đạt 4.571.744 đồng/con.

Tại buổi hội nghị tổng kết mô hình, bà Nguyễn Thị Bích Thủy ở thôn Phú Nông - hộ tham gia mô hình cho biết, gia đình bà là một trong 50 hộ tham gia mô hình vỗ béo bò. Bản thân bà rất phấn khởi hưởng ứng mô hình vì đã giúp gia đình bà nâng cao thu nhập và cải thiện đời sống. Sau khi kết thúc mô hình hộ gia đình bà sẽ tiếp tục nhân rộng và áp dụng những tiến bộ khoa học kỹ thuật mà chương trình khuyến nông đã hướng dẫn. Qua 03 tháng thực hiện, gia đình bà thu lãi bình quân 4.254.000 đồng/con.

Các đại biểu tham quan mô hình nuôi vỗ béo bò 

Cũng tại buổi hội nghị tổng kết, các hộ tham gia mô hình cùng chính quyền địa phương đánh giá mô hình rất có hiệu quả, phù hợp với điều kiện chăn nuôi của địa phương và nhu cầu của người chăn nuôi. Thông qua mô hình giúp các hộ chăn nuôi nắm vững được kỹ thuật vỗ béo bò thịt để tiếp tục duy trì, mở rộng quy mô của gia đình, nhằm nâng cao hiệu quả kinh tế, tăng thu nhập, ổn định đời sống cho người dân     

Theo ông Ngô Thái Hưng - Trưởng Phòng Khuyến nông -Trung tâm Khuyến nông tỉnh Phú Yên) cho biết: Trong thời gian tới đề nghị chính quyền địa phương và 50 hộ tham gia mô hình tiếp tục nhân rộng mô hình. Từ đó đẩy mạnh thông tin tuyên truyền, tập huấn kỹ thuật và nhân rộng mô hình đến các xã khác để các hộ dân trên địa bàn huyện áp dụng rộng rãi.

Thành công của mô hình tạo một hướng đi mới tiến tới sản xuất hàng hóa cung cấp cho thị trường, đồng thời giúp chính quyền địa phương xã Hòa Bình 1 có hướng chỉ đạo chuyển dịch chăn nuôi theo hướng hàng hóa, nhằm tạo việc làm, tăng thu nhập, xóa đói giảm nghèo, góp phần thực hiện thắng lợi chương trình tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn.

Trần Nguyễn Lâm Viên

Trạm Khuyến nông huyện Tây Hòa, Phú Yên