Vụ Hè Thu năm 2022, Trung tâm Khuyến nông Phú Yên, Trạm Khuyến nông huyện Phú Hòa triển khai mô hình sản xuất lúa chất lượng tại HTX DVNN Hòa Quang Bắc, huyện Phú Hòa, Phú Yên. Mô hình được triển khai thực hiện với quy mô 17 ha, toàn bộ cánh đồng được sử dụng cùng một giống lúa, đồng thời áp dụng các biện pháp thâm canh lúa như nhau. Có 177 hộ nông dân tham gia mô hình.

Tham gia mô hình, người dân được hỗ trợ 35% chi phí giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật và 100% kinh phí tập huấn, tuyên truyền,… Mô hình đã thực hiện thí điểm lồng ghép việc ứng dụng thiết bị không người lái (drone) để sạ lúa với diện tích 4 ha do Công ty Cổ phần Tập đoàn Lộc Trời hỗ trợ. Sản phẩm sau khi thu hoạch, liên kết với cơ sở xay sát Tú Loan thu mua toàn bộ sản phẩm.

Giống sử dụng cho mô hình là giống lúa An Sinh 1399 (ANS1) có thời gian sinh trưởng vụ Hè Thu: 90 - 95 ngày; chiều cao cây: 95-105 cm, khả năng đẻ nhánh khá, cứng cây; trọng lượng 1000 hạt: 23 gam; chiều dài bông: 24 – 27 cm; hạt gạo trong, mềm; năng suất trung bình đạt 70 tạ/ha.  

Tham gia mô hình các hộ dân trong và ngoài mô hình còn được cán bộ kỹ thuật tập huấn chuyển giao toàn bộ quy trình kỹ thuật về trồng thâm canh cây lúa thông qua lớp tập huấn, từ đó sẽ giúp cho các hộ dân tham gia mô hình thực hiện tốt các yêu cầu kỹ thuật của mô hình cũng như áp dụng thâm canh tốt trong quá trình sản xuất lúa chất lượng cho hộ gia đình mình.

Các đại biểu tham quan mô hình

 

Sau hơn 3 tháng triển khai, mô hình mang lại hiệu quả kinh tế khá cao với năng suất đạt bình quân 79,2 tạ/ha, với giá bán 6.200 đồng/kg, sau khi trừ hết chi phí thì bà con lãi khoảng 22 triệu đồng/ha. Nếu so với mô hình trồng lúa đối chứng là giống DV108, lợi nhuận đạt bình quân khoảng 16 triệu đồng/ha thì ruộng mô hình cho lợi nhuận cao hơn 6 triệu/ha. Như vậy, trên cùng đơn vị diện tích trồng lúa chất lượng ANS1 theo quy trình kỹ thuật, thâm canh tốt thì mang lại lợi nhuận cao hơn so với mô hình đối chứng .

Bà Nguyễn Thị Yến - xã viên HTXNN Hòa Quang Bắc chia sẻ: “Tôi tham gia mô hình sản xuất lúa chất lượng của Trung tâm Khuyến nông tỉnh Phú Yên với 1.000m2. Trước khi xuống giống, tôi được cán bộ kỹ thuật hướng dẫn quy trình canh tác. Tôi thấy giống lúa tỷ lệ nảy mầm đạt cao, cây lúa sinh trưởng phát triển tốt, khả năng đẻ nhánh mạnh, chiều cao cây, chiều dài bông, số bông hữu hiệu/m2 cao và khả năng chống chịu sâu bệnh tốt, thời gian sinh trưởng ngắn thích hợp với điều kiện tại địa phương. Tôi sẽ tiếp tục sử dụng giống lúa chất lượng cho những vụ sau”.

Theo bà Nguyễn Thị Thúy Hằng - Giám đốc HTXNN Hòa Quang Bắc cho hay: mô hình sản xuất lúa chất lượng sử dụng giống lúa có chất lượng và sử dụng thiết bị không người lái để gieo sạ và phun thuốc BVTV tại địa phương là hướng đi rất phù hợp nhằm giảm chi phí lao động, tăng hiệu qủa kinh tế. Mô hình phù hợp với chủ trương bổ sung cơ cấu giống và áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật mới vào sản xuất nông nghiệp của địa phương. Mô hình có khả năng nhân rộng tại địa phương.

Mục tiêu của mô hình sản xuất lúa chất lượng phát huy tốt các biện pháp kỹ thuật một cách đồng bộ, tạo số lượng sản phẩm hàng hóa nhiều, chất lượng tốt đồng nhất cung cấp cho doanh nghiệp nắm chắc nguồn hàng, chủ động trong tiêu thụ; từ đó có thể tiến tới xây dựng thương hiệu gạo chất lượng cao. Ngoài ra, mô hình là nơi bà con nông dân tham gia học hỏi, trao đổi kinh nghiệm lẫn nhau.

Phan Chân Thuyên

Trạm Khuyến nông huyện Tuy An, Phú Yên