Trong khi đó, cũng trên diện tích đất trồng lúa nông dân chỉ lãi khoảng 14.400.000 đồng/ha (tương đương 720.000 đồng/sào), chênh lệch 7.592.000 đồng/ha (tương đương 379.600 đồng/sào). Như vậy, trên diện tích lúa không chủ động nước tưới để sản xuất trong vụ Hè Thu thì việc chuyển đổi sang trồng bắp sẽ nâng cao được thu nhập cho người dân. Đây là một hướng đi mới của nhiều địa phương trong việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng góp phần xóa đói giảm nghèo.

Theo nhận định của hai hộ dân tham gia mô hình tại huyện Tây Hòa là hộ bà Nguyễn Thị Phượng và hộ bà Lê Thị Nhị, giống bắp nếp lai F1 HN88 có năng suất cao, phù hợp với điều kiện khí hậu thời tiết của địa phương, thân cây khỏe, quang hợp được nhiều ánh sáng, giống bắp này thích hợp với trồng cả vụ Đông Xuân và vụ Hè Thu. Đặc biệt giống bắp này có bộ lá xanh đến cuối vụ, bà con nông dân có thể tận dụng làm thức ăn cho gia súc, phù hợp với điều kiện sinh thái của địa phương.

Anh Lê Văn Khánh - hộ dân tham gia mô hình cho biết thêm, giống bắp nếp lai F1 HN88 rất phù hợp cho nông dân tận dụng đất bìa chéo xung quanh nhà hoặc trồng thay thế lúa trên đất trồng lúa màu kém hiệu quả, góp phần tăng thu nhập và phát triển kinh tế bền vững.      

Ông Đào Văn Roa - Phó Trưởng Phòng NN và PTNT huyện Tây Hòa cho biết: Nhìn chung mô hình sản xuất bắp nếp lai F1 HN88 cho hiệu quả kinh tế khá cao so với trồng lúa. Trong thời gian tới, Phòng NN và PTNT huyện Tây Hòa sẽ tiếp tục phối hợp với Trạm Khuyến nông huyện Tây Hòa và Trung tâm Khuyến nông tỉnh Phú Yên tập huấn chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật cho nông dân, đẩy mạnh công tác tuyên truyền hiệu quả mô hình tới người dân, định hướng nông dân chuyển đổi sản xuất phù hợp với tình hình biến đổi khí hậu và yêu cầu thị trường.

Trần Nguyễn Lâm Viên

Trạm Khuyến nông huyện Tây Hòa, Phú Yên