Vùng đất này vụ Hè Thu thường thiếu nước nên người nông dân thường bỏ ruộng hoang. Thế nhưng khi trồng đậu phộng, loài cây này không những “chịu” được mà còn cho lợi nhuận trên 7 triệu đồng/ha.

Bà Nguyễn Thị Nhuệ, một nông dân ở thôn Sơn Thọ tham gia mô hình trồng đậu phộng cho biết: “Khi tôi cày bừa gieo hạt xong đến giai đoạn đậu phộng ra hoa, đâm tia thì gặp thời tiết nắng nóng khiến tôi e ngại vùng này trồng đậu phộng không được vì năm ngoái có người trồng đậu phộng nhưng không có hạt chỉ lấy dây. Được sự hướng dẫn của cán bộ kỹ thuật, tôi tiếp tục bơm tưới nước cho đậu phộng. Khi thu hoạch, nhổ lên một bụi đếm có 19 hạt, trong đó có12 hạt chắc”.

Còn ông Nguyễn Đình Trung, cũng tham gia trồng đậu phộng cho biết ruộng đậu phộng nhà ông nhổ lên cân tại ruộng đạt năng suất 45,1 tạ/ha.

Ông Trung nói: “Ruộng đậu phộng nhà tôi khi già thì gặp mưa liên tục gây tình trạng ngập úng cục bộ, do vậy cây tiếp tục ra lá đọt nên hạt đậu lâu già, “nằm” lâu dưới đất dễ bị kiến dương ăn. Thế nhưng nhờ cán bộ khuyến nông hướng dẫn kỹ thuật bón vôi nên năng suất vẫn đạt cao”.

Tại hội thảo mô hình chuyển đổi cơ cấu cây trồng đậu phộng trên đất trồng lúa, màu kém hiệu quả, tổ chức tại xã Sơn Thành Tây, bà Ngô Thị Bích Diễm, cán bộ kỹ thuật của Trung Khuyến nông Phú Yên đã cho hay: Vùng đất triển khai mô hình sản xuất lúa 1 vụ Đông Xuân, vụ Hè Thu bỏ hoang nên cỏ dại mọc rất nhiều. Mặc dù bà con nông dân đã ra sức làm cỏ nhưng giai đoạn cuối mô hình, cỏ phát triển rất mạnh, lấn át cả đậu phộng. Thế nhưng đậu phộng vẫn đạt năng suất 45,1 tạ/ha. Giá bán đậu phộng tươi là 12.000 đồng/kg, tổng thu ruộng mô hình trên 54, 1 triệu đồng/ha. Sau khi trừ chi phí là 47 triệu đồng/ha, mô hình cho lợi nhuận trên 7 triệu đồng/ha. Mô hình đã giải quyết được bài toán về hiệu quả kinh tế cho bà con nông dân tại địa phương, giúp bà con tận dụng diện tích 1 lúa bỏ hoang để tăng gia sản xuất, nâng cao thu nhập. Ngoài ra, mô hình cũng tạo được tiền đề cho phong trào tăng gia sản xuất, tận dụng khả năng sản xuất tối đa của đất.

Bà con nông dân tham quan mô hình tại thôn Sơn Thọ

Theo ông Trương Quang Tuấn, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Phú Yên khẳng định mô hình đã góp phần quan trọng làm thay đổi nhận thức, tập quán canh tác cho bà con nông dân trực tiếp tham gia và tạo điều kiện cho hàng trăm bà con nông dân trong vùng tham quan học tập về việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên những vùng đất trồng lúa thiếu nước tưới hoặc canh tác cây màu hiệu quả chưa cao.

Ông Trương Quang Tuấn cũng đề nghị, chính quyền địa phương xã và HTX Sơn Thành Tây tăng cường vận động các hộ tham gia mô hình và nông dân trong vùng tiếp tục thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng trong những năm tới. UBND huyện Tây Hòa chỉ đạo Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện, UBND cấp xã, các cơ quan truyền thông tăng cường tuyên truyền, phổ biến nhân rộng mô hình chuyển đổi cơ cấu cây trồng đậu phộng trên đất lúa, màu kém hiêu quả theo nội dung Nghị quyết số 169 /2015 của HĐND tỉnh Phú Yên.

Trần Nguyễn Lâm Viên

Trạm Khuyến nông huyện Tây Hòa, Phú Yên