Với mục tiêu đặt ra là đa dạng hóa các đối tượng nuôi trong tỉnh, gắn với tái cấu nông nghiệp, thích ứng với biến đổi khí hậu, năm 2017, Trung tâm Khuyến nông – Khuyến ngư tỉnh đã đưa các đối tượng thủy sản mới vào nuôi thử nghiệm, đồng thời áp dụng tiến bộ kỹ thuật, thay thế hình thức nuôi nhằm tăng hiệu quả trên đơn vị diện tích như: cá chạch bùn trong ao lót bạt, mô hình nuôi thâm canh các rô phi đường nghiệp, mô hình nuôi cua trứng, nuôi cá dìa thương phẩm… Đến nay các mô hình này đã cho những kết quả ban đầu, nhiều mô hình được đánh giá cao và có khả năng nhân rộng.

Chúng tôi đến thăm mô hình nuôi thâm canh cá rô phi đường nghiệp của gia đình ông Dương Trung Thanh, tổ dân phố 5, phường Bắc Lý, thành phố Đồng Hới. Ông Thanh hồ hởi chia sẻ: “Nhà tôi có 5 hồ nuôi đủ các loại cá như trắm, rô phi, cá chim, mè… Năm nay được sự hỗ trợ của Trung tâm Khuyến nông Khuyến ngư tỉnh thực hiện mô hình nuôi cá rô phi đường nghiệp, tôi dành hồ to nhất rộng 2.500m2 để thực hiện. Sau gần 4 tháng nuôi, tôi thấy thời gian đầu cá phát triển chậm nhưng sau khoảng 1 tháng nuôi, tốc độ tăng trọng nhanh hơn loại cá rô phi tôi nuôi trước giờ. Đặc biệt, loại cá rô phi đường nghiệp này có đầu nhỏ, mình dày, thịt nhiều nên khi cân sẽ nặng hơn cá rô phi khác”.

Được biết, mô hình nuôi thâm canh cá rô phi đương nghiệp được thực hiện tại 3 điểm, với quy mô 6.000m2, theo đánh giá sơ bộ cá rô phi đường nghiệp có tỉ lệ sống cao trên 85%, với trọng lượng trung bình sau 4 tháng nuôi khoảng 600g/con, tuy nhiên, thời điểm thu hoạch do một số điều kiện khách quan khiến giá cá xuống thấp nên sau khi trừ các chi phí lợi nhuận chỉ khoảng 14 triệu đồng/ha.

Mô hình nuôi thâm canh cá rô phi đường nghiệp tại phường Bắc Lý, TP. Đồng Hới

Còn đối với gia đình anh Lê Xuân Ngọc, xã Tân Thủy, huyện Lệ Thủy sau khi Trung tâm Khuyến nông Khuyến ngư tỉnh hỗ trợ về kỹ thuật, con giống, gia đình anh đã mạnh dạn nuôi thử nghiệm cá chạch bùn (cá zét) trong ao lót bạt. Sau hơn 3 tháng thả nuôi, cá chạch đã đạt trọng lượng khoảng 30 con/kg, tỷ lệ sống lên đến 98%. Với giá thị trường từ 100.000-120.000 đồng/kg, mô hình nuôi cá chạch bùn của anh Ngọc sẽ thu được hiệu quả kinh tế cao. Theo anh Ngọc, cá chạch là loài cá bản địa quen thuộc với địa phương nên công tác chăm sóc quản lý có nhiều thuận lợi, trong điều kiện nuôi có thể tận dụng thêm thức ăn sẵn có ở địa phương như bèo, rau muống, cám gạo… lượng thức ăn tiêu tốn ít.

Đó chỉ là hai trong nhiều mô hình khuyến ngư đạt hiệu quả mà Trung tâm Khuyến nông Khuyến ngư thực hiện trong năm 2017. Những mô hình trên mang lại hiệu quả kinh tế cao, bổ sung đa dạng hóa cơ cấu đối tượng nuôi phù hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng tại các vùng nuôi ở Quảng Bình. Nhiều đối tượng có thể nuôi với quy mô lớn theo quy trình nuôi thâm canh và sản xuất hàng hóa, sản phẩm đạt chất lượng VSATTP thú y, thủy sản. Các mô hình trên đã tạo điều kiện các hộ nuôi tiếp cận với nền sản xuất hàng hóa, nâng cao hiệu quả kinh tế, tăng thu nhập trên một đơn vị diện tích và nâng cao đời sống của người sản xuất. Đây là cơ sở để tiếp tục nhân rộng các mô hình, góp phần làm tăng sản lượng thủy sản, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng.

Tuy nhiên bên cạnh kết quả đạt được, hiện nay, việc triển khai các mô hình khuyến ngư trong nuôi trồng thủy sản còn gặp không ít khó khăn. Ảnh hưởng của diễn biến thời tiết thất thường, dịch bệnh thường xuyên xảy ra đã khiến cho việc lựa chọn đối tượng nuôi phù hợp gặp khó. Trong khi đó, thị trường đầu ra không ổn định, nhất là giá các loại cá luôn biến động, khiến cho hiệu quả của các mô hình nuôi ghép, nuôi đa dạng sinh học bị ảnh hưởng. Để các mô hình khuyến ngư đạt hiệu quả cao, lãnh đạo Trung tâm Khuyến nông cũng đã kiến nghị UBND tỉnh quan tâm giải quyết các khó khăn nêu trên. Trong đó, chú trọng đầu tư cho các dự án, mô hình khuyến ngư; đẩy mạnh xúc tiến thương mại trong và ngoài nước để tạo đầu ra cho sản phẩm… Về phía các hộ nuôi, cần có ý thức cộng đồng trong nuôi trồng thủy sản, mạnh dạn áp dụng nhân rộng các mô hình khuyến ngư đã khẳng định hiệu quả…

Thùy Trang