Năm 2020, được sự chỉ đạo của Sở Nông nghiệp và PTNT, Trung tâm Khuyến nông - Khuyến ngư Quảng Bình đã triển khai thực hiện mô hình chuyển đổi từ đất lúa kém hiệu quả sang trồng sen với tổng diện tích 3ha; trong đó xã Quảng Phương (Quảng Trạch) thực hiện 1,5 ha, xã Sơn Thủy (Lệ Thủy) thực hiện 1,5 ha. Mô hình được Trung tâm Khuyến nông - Khuyến ngư hỗ trợ với phương thức sau đầu tư, theo Thông tư 83/2018/NĐ-CP (định mức hỗ trợ 50% chi phí mua giống, vật tư phân bón; 100% kinh phí triển khai thực hiện).

Mô hình nhằm chuyển giao kỹ thuật trồng sen trên vùng đất lúa kém hiệu quả chuyển đổi để nâng cao hiệu quả sản xuất, tăng thu nhập trên một đơn vị diện tích, góp phần thực hiện mục tiêu tái cơ cấu ngành nông nghiệp nông thôn. Từ đó đánh giá được khả năng sinh trưởng phát triển cũng như hiệu quả mang lại của mô hình để làm cơ sở nhân rộng, đồng thời tiến tới xây dựng thương hiệu sản phẩm sen theo chuỗi giá trị gắn với du lịch.

Giống sen được đưa vào trồng là giống sen hồng cao sản Huế, giống sạch bệnh, hom giống có 1-2 lá mập, khỏe, đường kính lá lớn của cây giống là 30cm, cây không bị dập lá hay gãy cọng hoặc gãy thân ngầm (ngó).  Trong quá trình thực hiện mô hình, Trung tâm Khuyến nông - Khuyến ngư đã cử cán bộ kỹ thuật trực tiếp chỉ đạo, theo dõi, hướng dẫn trồng, chăm sóc và phòng trừ sâu bệnh cho cây trồng đảm bảo đúng yêu cầu kỹ thuật.

Sau một thời gian cây sen sinh trưởng và phát triển, mô hình đã bước đầu mang lại hiệu quả. Kết quả theo dõi cho thấy giống sen cao sản trồng có số gương/10m2 đạt 70-75 gương, số hạt chắc/gương sen nhiều với 24-28 hạt; khối lượng trung bình  trên 202g/100 hạt; sản lượng ước tính khoảng 3.000-3.500 kg/ha. Qua hạch toán kinh tế cho thấy với 01 ha trồng sen trên đất lúa kém hiệu quả, sau khi trừ chi phí sản xuất trực tiếp của nông dân cho lãi khoảng 33-36 triệu đồng/ha, cao hơn gấp 3-4 lần so với trồng lúa.

Mô hình chuyển đổi trên đất lúa kém hiệu quả sang trồng sen tại xã Quảng Phương, huyện Quảng Trạch

 

Ông Trương Văn Ánh, chủ hộ mô hình sen xã Sơn Thủy, Lệ Thủy cho biết được sự hỗ trợ của Trung tâm Khuyến nông – Khuyến ngư, phòng Nông nghiệp huyện Lệ Thủy, năm nay gia đình ông cải tạo vùng đất trũng trồng lúa kém hiệu quả sang trồng sen, sau một thời gian cho thu hoạch ông nhận thấy trồng sen hiệu quả kinh tế cao hơn trồng lúa. Hiện tại giá bán hạt sen chưa tách vỏ giá 50.000 đồng/kg; sen đã tách vỏ giá 150.000 đồng/kg, thu nhậu cao hơn trồng lúa khoảng 4 lần. Ngoài thu nhập từ bán sen, gia đình ông còn đầu tư cầu tre, nhà chòi, cho thuê trang phục để phục vụ du lịch, chụp hình sen với giá 20.000 đồng/lượt, giúp giải quyết công nhàn rỗi, tăng giá trị thu nhập trên một diện tích sản xuất. Theo ông Ánh từ lúc sen nở rộ đến nay có khoảng 1.000 -1.500 người đến tham quan, chụp hình.

Thu hoạch sen tại xã Sơn Thủy, huyện Lệ Thủy

 

Tuy nhiên, do các hộ làm mô hình còn thiếu kinh nghiệm về kỹ thuật trồng và chăm sóc sen, đặc biệt là trong công tác quản lý, chăm sóc phòng trừ sâu bệnh gặp nhiều khó khăn, cộng thêm tình hình thời tiết diễn biến không thật sự thuận lợi, nắng nóng gay gắt nhiều đợt liên tục ảnh hưởng đến sinh trưởng phát triển của sen. Song nhờ sự quan tâm của Sở Nông nghiệp và PTNT, Trung tâm Khuyến nông – Khuyến ngư, sự phối hợp chặt chẽ của phòng Nông nghiệp và PTNT huyện, chính quyền địa phương, sự tâm huyết, học hỏi của các chủ hộ nên mô hình đảm bảo tiến độ và yêu cầu đặt ra. Hiện, các hộ vẫn đang tiếp tục chăm sóc, thu hoạch các lứa tiếp theo, tổng hợp năng suất sản lượng và doanh thu đến cuối vụ để có cơ sở khẳng định hiệu quả…

Thùy Trang

Trung tâm Khuyến nông - Khuyến ngư Quảng Bình