Chị rất mong muốn được tập huấn kỹ thuật canh tác mới và tiếp cận nguồn giống đạt chất lương, vì vậy, khi được lựa chọn đi tham gia khóa học tập huấn kỹ thuật canh tác khoai lang thông minh thích ứng với biến đổi khí hậu và kỹ thuật ươm giống khoai lang không bị nhiễm sâu bệnh và dịch hại do Dự án đảm bảo an ninh lương thực nhờ cây lấy củ vùng duyên hải và miền núi Châu Á Thái Bình Dương (FoodSTART+) và Dự án phát triển Nông thôn bền vững vì người nghèo tỉnh Quảng Bình (SRDP) tổ chức, chị rất phấn khởi.

Chị Hoàn tham dự buổi hướng dẫn thực hành trên đồng ruộng 

Sau khi tham gia tập huấn, chị Hoàn đã thay đổi một số kỹ thuật trồng khoai lang mà chị đã áp dụng từ năm này qua năm khác.

Trước hết là giống khoai. Qua lớp tập huấn, chị Hoàn được các giảng viên nhấn mạnh rằng việc sử dụng giống không đảm bảo chất lượng từ những vụ trước để lại sẽ không thể cho hiệu quả cao, năng suất củ thấp, hình dạng củ không đẹp. Vì thế, chị Hoàn đã đầu tư 300.000 đồng để mua giống khoai đỏ ruột vàng đảm bảo chất lượng từ một hộ gia đình trong xã.

Về mật độ trồng, chị Hoàn được giảng viên của lớp tập huấn hướng dẫn giảm lượng dây giống. Nếu những năm trước, với diện tích trồng khoai lang 650m2, chị trồng khoảng 100 kg dây giống. Tuy nhiên năm nay lượng dây giống đã giảm gần một nữa, chị chỉ sử dụng 60 kg dây giống. Chị Hoàn chia sẻ, chị được học rằng khi giảm giống sẽ giảm sự cạnh tranh chất dinh dưỡng, giảm khả năng bị nhiễm sâu hại và dịch bệnh và có thể cải thiện năng suất khoai lang đáng kể.

Ngoài ra, trước đây chị Hoàn chỉ bón phân đạm và phân chuồng, nhưng sau khi được tập huấn, chị đã đầu tư mua phân kali và lân. Chị hiểu rằng phân kali rất cần thiết cho cây có củ,và đóng vai trò quan trọng trong việc hình thành và phát triển củ.

Sau thời gian chăm sóc, chị Hoàn tiến hành thu hoạch, năng suất đạt 1,2-1,3 tấn củ/650m2. Những năm trước đây, cũng trên diện tích trồng khoai lang đấy, chị chỉ thu hoạch được khoảng 550 kg nhưng củ nhỏ, hình dạng xấu, bị bọ hà nên không thể bán ra thị trường. Tuy nhiên, năm nay khoai lang của gia đình chị to, hình dạng đẹp. Một số thương lái và các hộ khác trong xã mua khoai của chị phản hồi rất tốt về chất lượng. Vụ khoai năm nay, chị Hoàn bán khoảng 680 kg (600kg ngay tại ruộng và 80 kg tại nhà), thu được số tiền là 4,6  triệu. Phần khoai còn lại chị để biếu người thân và thái lát phơi khô dùng làm bánh khoai trong mùa mưa. Phần dây và lá khoai lang chị sử dụng cho trâu bò ăn tươi hoặc làm thức ăn ủ chua dự trữ lại cho vật nuôi ăn trong mùa đông, mùa thiếu thức ăn tại Quảng Bình.

Chị Hoàn mạnh dạn áp dụng những kiến thức đã học vào sản xuất của gia đình

Từ kết quả trên, chị Hoàn nhận định rằng cây khoai mang lại cho chị một thu nhập đáng kể, cao hơn cả cây lúa. Chị mong muốn trồng thêm, tuy nhiên đất canh tác khoai lang của gia đình chị rất hạn chế, chị không thể mở rộng hơn nữa. Nếu giải quyết được vấn đề đất đai chị mong muốn có thể mở rộng sản xuất trong vụ tới.

Chị khá lạc quan về việc năng suất trong những vụ tới, vì sau chị được tham dự lớp tập huấn ươm giống không bị nhiễm sâu hại và dịch bệnh. Ngoài ra, xã Quảng Thạch đã được dự án FoodSTART+ tài trợ xây dựng nhà ươm nên nếu được tiếp cận nguồn giống chất lượng này, chị tin rằng năng suất khoai sẽ tăng đáng kể trong những vụ tiếp theo.

Sản xuất khoai lang đòi hỏi chi phí đầu tư thấp và thời gian sinh trưởng cây khoai lang ngắn, thu hồi vốn nhanh. Cây khoai lang có thể xem là cây quan trọng trong việc giúp phụ nữ nghèo cải thiện sinh kế, tăng thu nhập. Câu chuyện thành công của chị Hoàn sẽ làm động lực cho để các hộ phụ nữ nông dân nghèo có thể học hỏi. Chị Hoàn sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm với hành xóm, những hộ nông dân trong xã. Thêm vào đó, chị đã được đào tạo khóa học về kỹ thuật trồng khoai lang, kỹ năng làm việc nhóm, chị tin rằng, chị có thể giúp các hộ nông dân bổ sung kiến thức thông qua tập huấn ở thôn và thăm đồng.

Lê Thị Hằng

CIAT-Vietnam - Trợ lí nghiên cứu dự án FoodSTART+

Bạn đọc có thể đọc thêm thông tin về mô hình này tại đây