Trồng tỏi lấy củ là nghề truyền thống từ nhiều năm trước của người dân ở các xã vùng Nam Quảng Trạch (nay là thị xã Ba Đồn). Mới đầu, người dân chỉ trồng để phục vụ nhu cầu của người dân trong vùng, nhận thấy hiệu quả cây tỏi mang lại nên diện tích ngày càng được mở rộng. Đặc biệt, cây tỏi được trồng ở đây là giống tỏi tía bản địa, củ chắc, có mùi thơm và vị cay nồng đặc trưng nên được người tiêu dùng đánh giá cao về chất lượng, giá trị. Cùng với thời gian, sản phẩm này đã chiếm trọn tình cảm của người tiêu dùng và ngày càng khẳng định được thương hiệu riêng của mình.

Tuy nhiên, hiện nay sản phẩm tỏi tía của vùng chỉ được bán trôi nổi trên thị trường như các loại tỏi khác do chưa có nhãn hiệu để xác định nguồn gốc và giá trị tiêu thụ riêng biệt. Chính vì thế, việc xây dựng chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn cho sản phẩm tỏi tía Ba Đồn nói riêng, tỏi tía Quảng Bình nói chung là việc làm cần thiết nhằm nâng cao giá trị của cây tỏi, tăng thu nhập cho người dân ở những vùng có diện tích trồng tỏi.

Vụ sản xuất tỏi 2017-2018, Sở Nông nghiệp&PTNT Quảng Bình phối hợp UBND thị xã Ba Đồn triển khai thực hiện mô hình “Xây dựng thương hiệu tỏi tía Ba Đồn”. Mô hình được thực hiện trên diện tích 18,74 ha, với 213 hộ tham gia. Trong đó xã Quảng Minh có diện tích trồng tỏi lớn nhất với 14,25 ha, chủ yếu ở thôn Cồn Nâm với 93 hộ tham gia. Mô hình đã được UBND tỉnh, Sở Nông nghiệp và PTNT hỗ trợ kinh phí 300 triệu đồng, gồm: hỗ trợ cho người dân trực tiếp sản xuất; kiểm tra mẫu đất, nước; lấy mẫu kiểm tra chất lượng sản phẩm tỏi; hướng dẫn các cơ sở sản xuất và kinh doanh tỏi đăng ký xác nhận chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn; in ấn tem nhãn, bao bì; tổ chức hội nghị, hội thảo để liên kết sản xuất, kết nối cung cầu và tiêu thụ sản phẩm.

Nông dân thôn Cồn Nâm, xã Quảng Minh, TX. Ba Đồn đang chăm sóc tỏi 

Để cây tỏi cho năng suất, chất lượng cao đòi hỏi phải đầu tư kỹ lưỡng từ khâu chọn giống, trồng và chăm bón. Vì vậy trước khi thực hiện mô hình, Phòng Kinh tế thị xã phối hơp với Chi cục Trồng trọt -Bảo vệ thực vật lấy mẫu đất để kiểm tra chất đất, các kim loại nặng trong đất, nước tưới…; đồng thời tập huấn chuyển giao kỹ thuật trồng tỏi an toàn cho bà con. Đặc biệt, do vụ trồng tỏi năm nay gặp bất lợi hơn so với mọi năm do đất bị nhiễm mặn sau bão số 10, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh phối hợp với Phòng Kinh tế thị xã Ba Đồn tiến hành kiểm tra độ mặn của đất, đồng thời hỗ trợ 7,5 tấn vôi bột để xử lý mặn.

Với người dân vùng Nam thị xã Ba Đồn, cây tỏi tía từ nhiều năm nay đã trở thành cây cứu đói, thoát nghèo cho không ít gia đình. Theo tính toán sơ bộ, 1 sào tỏi cho thu hoạch khoảng 5.000 củ, với giá bán 150.000-170.000 đồng/100 củ với loại to, đẹp; 100.000-130.000 đồng/100 củ loại vừa và 40.000-50.000 đồng/100 củ loại nhỏ thì 1 sào cho thu nhập khoảng 4-5 triệu đồng; 1ha khoảng 80-100 triệu đồng, cao hơn rất nhiều so với trồng lúa. Hơn nữa, trồng tỏi, bà con có thể trồng xen được nhiều loại cây khác như lạc, ớt, cà... để tăng thu nhập.

Hiện nay, mô hình sản xuất tỏi đang trong giai đoạn chăm sóc đợt cuối để chuẩn bị thu hoạch, trong đó một số hộ trồng sớm chỉ khoảng 10 ngày nữa là đã có thể thu hoạch. Việc thu hoạch cũng chỉ diễn ra trong vòng 1 tháng để tranh thủ phơi được nắng, giúp tỏi chắc, thơm hơn. Trước khi thu hoạch, Phòng Kinh tế nông nghiệp thị xã sẽ phối hợp với Chi cục Quản lý chất lượng Nông lâm thủy sản tỉnh lấy mẫu kiểm tra các chỉ tiêu an toàn thực phẩm theo quy định. Bên cạnh đó, UBND thị xã đang hoàn thiện hồ sơ để được chứng nhận sản phẩm tỏi an toàn, đồng thời xây dựng logo, nhãn mác, tên sản phẩm và túi đựng cho sản phẩm.

Việc xây dựng thương hiệu tỏi tía Ba Đồn theo chuỗi cung ứng an toàn với những tiêu chí chất lượng cụ thể sẽ giúp cho sản phẩm đứng vững trên thị trường và từng bước vươn xa. Để bà con yên tâm sản xuất, UBND thị xã cũng đã liên kết tiêu thụ đối với một số siêu thị và thương lái thu mua trên địa bàn tỉnh; tiếp tục thực hiện một số chính sách hỗ trợ sau đầu tư đối với chuỗi sản phẩm tỏi, đồng thời phấn đấu đưa nhãn hiệu tỏi tía Ba Đồn trở thành thương hiệu được nhiều người biết đến trong thời gian tới.

Thùy Trang

Trung tâm Khuyến nông – Khuyến ngư Quảng Bình