Mô hình triển khai tại 6 hộ dân ở 3 xã Tịnh Bình, Tịnh Giang, Tịnh Trà (huyện Sơn Tịnh) với 36 con dê lai bách thảo, trong đó có 30 con dê cái. Nhà nước hỗ trợ 24 con, với tổng kinh phí hỗ trợ dê giống trên 150 triệu đồng, số còn lại do hộ tham gia đối ứng; trung bình mỗi hộ được Nhà nước đầu tư 4 con dê, trong đó 1 dê đực và 3 dê cái. Trọng lượng ban đầu dê đực 30 kg/con, dê cái 25 kg/con. Qua hơn 1 năm nuôi, đàn đê sinh trưởng phát triển tốt, trọng lượng dê đực đạt 50 kg/con, dê cái 45 kg/con. Hiện có 17 con dê cái đã sinh sản; tỷ lệ dê con nuôi sống đạt trên 95% với 22 dê con đang sinh trưởng tốt.

Ông Lê Quốc Việt, thôn Bình Bắc, xã Tịnh Bình – hộ tham gia mô hình, được khuyến nông hỗ trợ 4 con dê, ông đầu tư thêm 2 con dê cái đối ứng. Với 5 con dê lai bách thảo sinh sản, trung bình cứ 1 con dê cái sinh sản 2 lứa/năm, mỗi lứa đẻ 2 dê con. Vào mùa nắng ấm, dê con được 4 tháng tuổi thì xuất chuồng, trung bình mỗi con dê bán được 4 triệu đồng. Với giá cả ổn định, đầu ra thuận lợi nên thu nhập từ nuôi dê của gia đình ông khá cao.

Ông Lê Quốc Việt chăm sóc dê con mới sinh

Nhìn chung dê là loại vật nuôi dễ thích nghi với các vùng nhiều gò đồi, thức ăn chủ yếu các loại lá và cỏ. Với mô hình chăn nuôi dê sinh sản thì việc chăm sóc dê con rất quan trọng, chú ý lau chùi sạch sẽ cho dê con; trong vòng 20 ngày sau khi dê con ra đời chủ yếu bú mẹ; cho dê con ăn vừa phải, lá cây luôn được lau khô, tránh ẩm ướt dễ gây bệnh.

Ông Phạm Văn Tùng- Trưởng trạm Khuyến nông huyện Sơn Tịnh cho biết: Qua 1 năm thực hiện mô hình, đàn dê sinh sản tốt, đang thực hiện chuyển đổi các con đê đực để thụ tinh nhằm tránh dịch bệnh; chăm sóc, ăn uống theo đúng quy trình kỹ thuật, cho dê ăn nhiều loại lá để dê phát triển tốt. Định hướng trong thời gian tới, huyện sẽ thành lập tổ chăn nuôi dê để xây dựng thương hiệu và nhân rộng mô hình.

Thu Phượng- Kim Cúc