Được sự hỗ trợ của Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh, 2 năm qua, xã Tịnh Thọ đã thực hiện mô hình thâm canh cây lạc trên đất lúa và màu kém hiệu quả với diện tích 80 ha. Trong đó, vụ Đông Xuân 2020-2021, xã triển khai trồng 40 ha với 339 hộ dân tham gia. Các giống lạc được đưa vào trình diễn gồm LDH.01, LDH.09 và L14.

Trong quá trình sản xuất, bà con được tập huấn, hướng dẫn các quy trình kỹ thuật thâm canh lạc trên đất lúa và màu kém hiệu quả như chuẩn bị giống lạc, xử lý hạt  trước khi gieo, chọn đất trồng lạc, kỹ thuật làm đất, kỹ thuật bón phân, chăm sóc khi gieo và phòng trừ sâu bệnh.

Qua gần 3 tháng thực hiện, năng suất dự kiến trung bình đạt từ 36,1 - 38,7 tạ/ha tùy theo mỗi giống. Trong khi đó, giống lạc sẻ địa phương chỉ đạt 26,3 tạ/ha. Sau khi trừ chi phí bà con thu lãi khoảng 50 triệu đồng/ha, cao hơn nhiều so với giống lạc sẻ.

Bà con nông dân phấn khởi và mong muốn nhân rộng mô hình

 

Trên cánh Đồng Tre, thôn Thọ Tây, ông Nguyễn Tâm cho biết, vụ này ông trồng 3 sào lạc L14. Nhờ được hướng dẫn, áp dụng khoa học kỹ thuật nên năng suất đạt khoảng 3 tạ/sào, cao hơn giống lạc sẻ chỉ đạt khoảng 2,6 tạ/sào (1 sào = 500 m2).

Ông Nguyễn Xuân Sơn cũng cho biết, vụ này ông được hỗ trợ trồng 2 sào lạc L14. Giống lạc này có khả năng thích ứng rộng, quả to, tỷ lệ quả hạt nhiều. Nhờ áp dụng đúng quy trình kỹ thuật nên với 2 sào lạc giống L14 dự kiến ông ép được 75 lít dầu, nhiều hơn 12 lít so với 2 sào lạc sẻ.

Với kết quả tích cực, bà con rất mong mô hình được tiếp tục nhân rộng ra toàn tỉnh Quảng Ngãi, giúp bà con nông dân nâng cao năng suất lạc, góp phần tăng thu nhập, cải thiện cuộc sống.

Thu Phượng - Đức Văn