Để phát triển nghề nuôi cá lồng bè trên sông và hồ gắn với tiêu thụ sản phẩm ngày càng bền vững, Trung tâm Khuyến nông tỉnh Quảng Ngãi đã tham gia thực hiện Dự án Khuyến nông Quốc gia “Xây dựng mô hình nuôi cá lồng bè trên sông và hồ gắn với tiêu thụ sản phẩm tại một số tỉnh Nam Trung Bộ và Tây Nguyên”.

Trong năm 2019, Trung tâm Khuyến nông Quảng Ngãi đã triển khai thành công mô hình nuôi cá thát lát cườm trong lồng bè tại thôn Suối Loa, xã Ba Động, huyện Ba Tơ với qui mô 200 m3 lồng, thả 10.000 con cá giống thát lát cườm (tương đương mật độ 50 con/m3 lồng nuôi) kích cỡ ≥ 8 cm/con. Sau 8 tháng triển khai, cá đạt trọng lượng bình quân hơn 600 g/con, tỷ lệ sống đạt trên 75%. Với giá bán 90 nghìn đồng/kg, sau khi trừ các khoản cho phí, mô hình cho lãi gần 120 triệu đồng.

Để chuyển giao quy trình kỹ thuật đến với người dân, Trung tâm Khuyến nông tỉnh Quảng Ngãi đã phối hợp với Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp huyện Ba Tơ tổ chức 02 lớp tập huấn kỹ thuật nuôi cá thát cườm thương phẩm trong lồng bè trên sông, hồ chứa gắn với tiêu thụ sản phẩm cho 70 hộ dân tham gia mô hình và các hộ dân sinh sống xung quanh vùng hồ chứa nước thủy lợi Suối Loa có nhu cầu học tập kỹ thuật nuôi cá lồng bè. Đồng thời Trung tâm Khuyến nông Quảng Ngãi đã tổ chức 01 buổi tổng kết mô hình với sự tham gia của 40 hộ nông dân để tuyên truyền nhân rộng mô hình. Mô hình nuôi cá thát lát cườm thương phẩm trong lồng được lãnh đạo, người dân địa phương đánh giá cao và áp dụng nhân rộng.

Anh Trần Văn Thuận là cộng tác viên tham gia mô hình cho biết: “Đây là lần đầu tiên nuôi cá thát lát cườm nên không nắm được quy trình kỹ thuật nuôi, nhưng do được cán bộ kỹ thuật của Trung tâm Khuyến nông tỉnh tập huấn và hướng dẫn trực tiếp trong suốt quá trình thực hiện mô hình nên cá sinh trưởng phát triển tốt, không bị dịch bệnh. Sau khi kết thúc mô hình, tôi đã nắm bắt được quy trình kỹ thuật nuôi cá thát lát cườm thương phẩm trong lồng, nhất là kỹ thuật chọn cá giống và kỹ thuật phòng, trị bệnh cho cá. Trong thời gian tới tôi sẽ tiếp tục nuôi cá thát lát cườm và có thể sẽ mở rộng thêm vài ô lồng nữa vì loài cá này có giá trị kinh tế cao hơn một số loài cá khác”.

Đây là mô hình liên kết giữa Nhà nước, doanh nghiệp và nhà nông. Nhà nước hỗ trợ không hoàn lại một phần kinh phí thực hiện mô hình, doanh nghiệp cung ứng vật tư đầu vào như cá giống, thức ăn, hóa chất phòng và trị bệnh, các vật tư thiết yếu trong nuôi cá lồng bè… và hỗ trợ nông dân tiêu thụ sản phẩm, vì vậy trên 80% sản phẩm của mô hình được tiêu thụ qua các hợp đồng liên kết. Hiệu quả kinh tế của mô hình cao hơn khoảng 15% so với các mô hình nuôi cá theo cách truyền thống.

Tiếp nối thành công mô hình nuôi cá thát lát cườm lồng bè trên sông và hồ gắn với tiêu thụ sản phẩm, năm 2020, Trung tâm Khuyến nông Quảng Ngãi tiếp tục triển khai dự án năm thứ 2 với mô hình “Nuôi cá lăng nha trong lồng bè trên sông và hồ chứa gắn với tiêu thụ sản phẩm”.

Tham gia mô hình có hộ ông Trương Ngọc Thành và ông Võ Tấn Tám ở xã Sơn Dung, huyện Sơn Tây, tỉnh Quảng Ngãi. Mô hình được thực hiện với quy mô 200 m3 lồng (100 m3 lồng/hộ), thả 4.000 con cá giống lăng nha (tương đương mật độ 20 con/m3 lồng) kích cỡ ≥15 cm/con. Cá giống khi thả khỏe mạnh, không bị xây xát, bơi linh hoạt, không nhiễm bệnh và đã qua kiểm dịch, nguồn cá giống được cơ sở sản xuất giống cá nhân tạo tỉnh Quảng Nam cung cấp. Đến nay cá lăng nha đã nhanh chóng thích nghi với điều kiện nguồn nước của hồ chứa nước thủy điện Đăkđrinh, cá sinh trường, phát triển tốt.

Xác định đây là mô hình điểm để người dân học tập và nhân rộng, phát triển trong toàn tỉnh. Vì vậy, lãnh đạo Trung tâm Khuyến nông Quảng Ngãi đã chỉ đạo cán bộ kỹ thuật cần bám sát theo dõi, hướng dẫn chi tiết quy trình kỹ thuật nuôi cá lồng bè cho các hộ dân tham gia mô hình đạt hiệu quả cao nhất./.

Mạnh Hùng

Trung tâm Khuyến nông Quảng Ngãi