Mô hình trình diễn chăn nuôi thâm canh bò cái lai Zebu sinh sản giai đoạn từ năm 2016-2018 ở 5 xã Tịnh Bắc, Tịnh Hà, Tịnh Bình, Tịnh Thọ và Tịnh Phong. Đến nay, mô hình bước đầu đạt kết quả khả quan. Mô hình đã giúp người nông dân có sự chuyển đổi nhận thức từ việc chăn nuôi bò cỏ (bò vàng truyền thống) với tập quán chăn thả rông sang hướng chăn nuôi bò lai có đầu tư thâm canh, kết hợp bổ sung thức ăn tinh, từng bước tiếp cận, làm quen dần với việc áp dụng các giải pháp kỹ thuật trong việc chăn nuôi bò lai nói chung, lai Zebu sinh sản nói riêng.

Là một trong những hộ ở 5 xã được tham gia mô hình chăn nuôi thâm canh bò cái lai Zebu sinh sản lần này, ông Đỗ Hồng Sơn ở xóm 1, thôn Thế Lợi, xã Tịnh Phong vui vẻ cho biết, từ tháng 7 năm 2016, gia đình ông được Nhà nước hỗ trợ 1 bò cái lai Zebu, ông mua thêm 1 con. Qua hơn 20 tháng nuôi, hiện nay 2 con bò cái lai của ông đã cho ra đời 2 bê con khỏe mạnh, sinh trưởng tốt. Theo dự tính, 2 con bê này sẽ nuôi trong vòng 10 tháng, bán với giá từ 8 -10 triệu đồng/con, cao hơn so với bê con bình thường mà gia đình ông nuôi trước đây, chỉ bán chừng 6- 7 triệu đồng/con.

Điểm trình diễn mô hình chăn nuôi bò cái lai zebu sinh sản

Cũng nằm trong số hộ thực hiện mô hình chăn nuôi thâm canh bò cái lai Zebu sinh sản, ông Lê Quang Hùng ở thôn Thọ Lộc Tây, xã Tịnh Hà cho biết, trong 2 con bò cái lai Zebu của ông có 1 con đã cho ra đời 1 bê con được 4 tháng. Hiện nay bò rất khỏe mạnh, ông cho biết ông sẽ nuôi bê con từ 6- 8 tháng nữa thì bán, nếu thuận lợi ông sẽ thu về trên dưới 10 triệu đồng. Giống bò lai này kinh tế hơn giống bò cỏ địa phương mà ông nuôi trước đây.

Tham gia mô hình chăn nuôi thâm canh bò cái lai Zebu sinh sản có 40 hộ ở 5 xã với tổng số lượng 80 con bò F1 có tỷ lệ máu ngoại trên 50%, bình quân quy mô 2 con bò/hộ. Trong đó, Nhà nước hỗ trợ 1 con, nông dân tự đầu tư 1 con. Trong thời gian nuôi 6 -  7 tháng, ngoài thức ăn xanh bà con đã bổ sung thức ăn tinh từ 0,5 - 1,5kg/con/ngày tùy thể trạng bò mập hay ốm. Từ tháng thứ 6, tách bê để nuôi riêng, giai đoạn này bê phát triển nhanh nên cần lượng thức ăn xanh đầy đủ, cần bổ sung thêm thức ăn tinh bằng phương pháp cho ăn khô.

Qua 23 tháng nuôi (từ tháng 7/2016 đến nay), các hộ chăn nuôi bò đã thực hiện đúng theo quy trình kỹ thuật của cán bộ khuyến nông hướng dẫn, trọng lượng bình quân 1 con bò cái lai Zebu từ 142 kg/con tăng lên 279 kg/con; trong mô hình đã có 28 con bê lai ra đời với tỷ lệ máu ngoại 75%, có ngoại hình đẹp, hiện tại bê lai khỏe mạnh, sinh trưởng và phát triển tốt. Trọng lượng bê sơ sinh đạt bình quân 22 kg/con, tăng 2kg so với yêu cầu đề ra.

Ông Phạm Văn Tùng - Trưởng Trạm khuyến nông huyện Sơn Tịnh cho biết: Việc thực hiện mô hình chăn nuôi thâm canh bò cái lai Zebu sinh sản đã mang lại kết quả khả quan về phát triển đàn bò lai trên địa bàn huyện. Mô hình phát triển rộng, dài sẽ đẩy nhanh tốc độ cải tạo đàn bò, hỗ trợ kỹ thuật, nâng cao nhận thức về nuôi thâm canh bò cái lai Zebu; đồng thời tạo ra đàn bò cái lai ổn định làm cơ sở cho lai kinh tế bò thịt, cung cấp nguồn nguyên liệu cho công nghiệp chế biến, mang lại kinh tế cho hộ chăn nuôi.

Mô hình chăn nuôi thâm canh bò cái lai Zebu sinh sản trên địa bàn huyện Sơn Tịnh mang tính lâu dài, việc thực hiện mô hình đã giúp nâng cao nhận thức, thay đổi tập quán chăn nuôi bò vàng truyền thống, cải tạo đàn bò bằng việc lai hóa có đầu tư thâm canh, nhờ đó nâng cao năng suất sản phẩm trong chăn nuôi bò.

 

Thu Phượng- Kim Cúc