Để giải quyết những tồn tại trên, UBND tỉnh Quảng Ninh đã chỉ đạo Sở Nông nghiệp & PTNT phối hợp với các đơn vị, cá nhân liên quan triển khai thử nghiệm ứng dụng công nghệ đèn Led trên tàu khai thác hải sản xa bờ. Mô hình thử nghiệm trên 3 tàu cá tại thị xã Quảng Yên, trong đó có 2 tàu nghề chài chụp và 1 tàu nghề pha xúc, cụ thể:

Tàu chụp của ông Nguyễn Văn Đãng có công suất máy 430CV (máy phát 550CV) là tàu lớn, hiện đại. Trước khi thử nghiệm, tàu đã lắp đặt 400 đèn Siu (loại 1.000W/bóng). Chủ tàu chỉ nhận thử nghiệm theo hình thức bổ sung (trang bị để sáng hơn, sử dụng khi phù hợp) nên lắp đặt 60 đèn Led có công suất 200W, với tỷ lệ thay thế 15%.

Tàu chụp của ông Đỗ Văn Thành, công suất máy 350CV (máy phát 550CV). Trước khi thử nghiệm, tàu có lắp đặt 350 đèn Siu (loại 1.000W/bóng). Chủ tàu chấp nhận thử nghiệm theo hình thức dần thay thế hoàn toàn. Hiện đã lắp đặt 250 đèn Led có công suất 200W, với tỷ lệ thay thế 72%.

Tàu pha xúc của ông Nguyễn Đăng Dựng có công suất máy 680CV (máy phát 90CV). Trước khi thử nghiệm đã lắp đặt 24 bóng đèn Siu (loại 1.500W/bóng). Chủ tàu chấp nhận thử nghiệm theo hình thức dần thay thế hoàn toàn. Hiện đã lắp đặt 18 đèn Led loại 400W, với tỷ lệ thay thế 75%.

Ngư trường để tổ chức khai thác trình diễn là: Long Châu, Bạch Long Vĩ, Cô Tô… với độ sâu từ 28 – 40m. Thời gian thử nghiệm ở tàu ông Nguyễn Văn Đãng và ông Nguyễn Đăng Dựng là từ tháng 9 – 12/2018; tàu ông Đỗ Văn Thành là từ tháng 11 – 12/2018 và tháng 2 – 3/2019 (khai thác vụ mực chính).

Sử dụng đèn Led trong khai thác hải sản cho thấy rất nhiều ưu thế so với việc sử dụng các nguồn sáng truyền thống. 

Qua theo dõi cho thấy: Sử dụng đèn Led đối với tàu pha xúc, chỉ tiêu sản lượng tăng không nhiều so với khi sử dụng đèn truyền thống, tuy nhiên chỉ tiêu hiệu quả kinh tế được nâng lên từ số lượng dầu tiết kiệm hàng tháng đạt 12 triệu đồng/tháng. Do đặc thù của phương thức khai thác này nên tàu pha xúc sử dụng khá ít đèn khai thác (từ 10-30 bóng), kéo theo việc trang bị máy phát công suất không lớn nên ít ảnh hưởng đến khả năng đầu tư của chủ tàu và việc thay thế đèn Siu là hoàn toàn khả thi.

Đối với tàu chài chụp, chỉ tiêu sản lượng cũng tăng không quá lớn khi sử dụng đèn Led so với đèn Siu. Tuy nhiên từ 2 tàu tham gia thử nghiệm cho thấy: Tàu của ông Nguyễn Văn Đãng với tỷ lệ thay thế bóng đèn Led là 15% nên hiệu quả kinh tế chưa rõ nét so với trước đây. Tàu của ông Đỗ Văn Thành có tỷ lệ thay thế bóng đèn Led là 72% nên hiệu quả kinh tế đã tăng rõ rệt, mức tiêu thụ dầu tương ứng là 16.000 lít so với 29.052 lít (giảm lượng dầu tiêu thụ mỗi đêm trên 180 lít); hiệu quả kinh tế sau khi trừ chi phí cao hơn các tàu có công suất tương đương khác đang sử dụng bóng đèn truyền thống từ 25 – 30%.

Bên cạnh đó, các chỉ tiêu về cường độ, màu sắc ánh sáng, không gây nhiễu sóng các thiết bị hàng hải, tính ổn định của bóng đèn cao; khả năng chống ăn mòn và chịu va đập tốt. Đèn Led nhanh chóng phát sáng sau khi dùng các thiết bị phát hiện luồng cá, giúp tiết kiệm thời gian, gia tăng số mẻ lưới. Quá trình lắp đặt, thay thế, vận hành đèn Led thuận lợi và an toàn hơn so với đèn Siu.

Ứng dụng đèn Led trong khai thác hải sản cho thấy rất nhiều ưu thế so với việc sử dụng các nguồn sáng truyền thống. Tuy vậy, để đèn Led được sử dụng rộng rãi trong thực tế thì cả người dân, doanh nghiệp nghiên cứu, chế tạo và các cơ quan quản lý cần có những điều chỉnh phù hợp từ thói quen, tập quán sử dụng thiết bị, hạ giá thành sản phẩm, đổi mới hình dáng kết cấu, chủng loại và trọng lượng đèn, có thêm chính sách khuyến khích ứng dụng...

Có thể nói, việc triển khai thử nghiệm ứng dụng công nghệ đèn Led trong khai thác hải sản cho kết quả tốt đã khẳng định tính phù hợp, tạo nên một bước phát triển mới trong lĩnh vực khai thác. Ứng dụng công nghệ Led giúp thay đổi cách nghĩ, cách làm của chính quyền, ngư dân cũng như đáp ứng rất tốt định hướng tăng trưởng xanh, bền vững, an toàn và hiệu quả.

Chu Văn Trí

TT Khuyến nông Quảng Ninh