Sau khi trở về đơn vị công tác, thành viên Đoàn học tập đã tích cực, chủ động áp dụng, ứng dụng và thử nghiệm kỹ thuật, công nghệ thu được vào thực tế sản xuất tại địa phương. Từ năm 2015-2018, nhiều mô hình, dự án áp dụng toàn bộ hoặc một phần công nghệ Đài Loan được triển khai, qua đánh giá là phù hợp và từng bước nhân rộng trong sản xuất, cụ thể như sau:

Lĩnh vực trồng trọt

Kỹ thuật trồng thanh long bằng giàn (ống sắt mạ kẽm) tại Ba Chẽ

Tại địa phương Ba Chẽ, thanh long trồng chủ yếu theo phương thức truyền thống bằng trụ bê tông, mật độ 700 - 1.000 trụ/ha, tương ứng với 3.000 - 4.000 hom giống/ha. Cách thức triển khai cũng phức tạp từ khâu đổ trụ, vận chuyển, dựng trụ trước khi trồng. Các biện pháp chăm sóc cũng chưa được áp dụng theo hướng thâm canh tiên tiến, năng suất chỉ đạt 30 - 35 tấn/ha.

Năm 2015, học tập kỹ thuật làm giàn của Đài Loan, mô hình được triển khai với quy mô 1.100 m2, sử dụng vật liệu ống kẽm có sẵn trên thị trường. Kỹ thuật này tận dụng được không gian ánh sáng, tăng mật độ trồng trên đơn vị diện tích: 10.000 - 12.000 hom giống/ha (tăng 3 lần). Cùng với biện pháp tăng mật độ, các biện pháp kỹ thuật chăm sóc theo Đài Loan cũng được áp dụng đồng bộ: kỹ thuật tỉa cành được thực hiện từ năm thứ hai với nguyên tắc giữ ổn định số cành/cây suốt thời gian kinh doanh; sửa cành, tỉa cành sau mỗi vụ thu hoạch; thụ phấn, ngắt tỉa hoa, quả, giữ lại số lượng quả nhất định/cành/cây/năm; bao quả bằng túi; kỹ thuật bón phân theo từng thời kỳ; tăng cường ngâm ủ, bón phân hữu cơ để tăng chất lượng quả. Việc áp dụng kỹ thuật của Đài Loan đã làm tăng năng suất quả gấp 2,5 lần, đạt 85 tấn/ha, mã quả sáng đẹp, chất lượng quả ngon, ngọt hơn, giá bán trung bình 30- 35 nghìn đồng/kg. Đến nay, các địa phương trong tỉnh như Uông Bí, Hải Hà đã áp dụng rộng rãi mô hình này và mang lại hiệu quả kinh tế cao.  

Mô hình trồng na dai, táo, ổi theo công nghệ Đài Loan

+ Mô hình trồng táo: Quy mô 600m² tại Uông Bí, Đông Triều, với giống táo Đài Loan, áp dụng kỹ thuật làm đất toàn diện, bón phân hữu cơ là chủ yếu. Mô hình lần đầu tiên hình áp dụng kỹ thuật bao phủ màng lưới trùm cả vườn quả nên hạn chế sâu bệnh hại, đặc biệt là đối tượng ruồi đục trái, thuận lợi cho khâu chăm sóc. Mô hình tiếp tục được các hộ duy trì sản xuất, tuy nhiên mức độ nhân rộng còn hạn chế do cây táo chưa được quan tâm nhiều.

+ Mô hình trồng ổi: Quy mô 300m² tại Hoành Bồ, bằng việc ứng dụng các kỹ thuật chăm sóc, cắt tỉa tạo khung tán thấp ngay từ giai đoạn kiến thiết cơ bản. Một mặt thông qua kỹ thuật cắt tỉa giúp cây sinh trưởng phát triển tốt, rải vụ thu hoạch quả liên tục trong năm, mặt khác tán cây thấp nên thuận lợi cho khâu chăm sóc, bao quả, thu hoạch. Thông qua các lớp tập huấn kỹ thuật, hướng dẫn thực tế tại ruộng vườn, hiện nay nông dân tại địa phương đã nắm được các nguyên tắc, các khâu kỹ thuật tạo khung tán cho vườn quả ngay từ ban đầu, đốn tỉa cải tạo vườn quả có sẵn, chủ động áp dụng các biện pháp trong chăm sóc rải vụ thu hoạch trong năm.

+ Mô hình trồng na: Quy mô 300m² tại Đông Triều. Mô hình áp dụng các kỹ thuật cắt tỉa, chăm sóc, thụ phấn và ngâm ủ phân hữu cơ vi sinh từ nguồn phế phụ phẩm nông nghiệp, giúp cây sinh trưởng phát triển tốt, ít sâu bệnh. Việc sử dụng phân hữu cơ giúp cải tạo đất vườn, cây sinh trưởng bền, nâng cao chất lượng quả, đặc biệt là tăng độ đường và hương vị tự nhiên đặc trưng của quả.

Thành công của mô hình trồng na, táo, ổi giúp mở ra một hướng mới trong việc kiến thiết các vườn quả ngay từ ban đầu và đặc biệt là cải tạo các vườn cây ăn quả có sẵn tại địa phương, kéo dài thời gian khai thác, ổn định chất lượng và nâng cao sản lượng hàng năm.

Mô hình bao quả vải

Vải chín sớm Phương Nam có lợi thế sản phẩm vào thời điểm ít, hiếm nên giá bán cao. Để mẫu mã quả đẹp, không sâu cuống, trong quá trình chăm sóc phải phun thuốc bảo vệ thực vật. Kỹ thuật bao chùm quả vải được áp dụng với quy mô 300 cây với mục tiêu hạn chế, tiến tới giảm thiểu sâu bệnh gây hại quả vải, giảm sử dụng thuốc bảo vệ thực vật. Túi bao quả được sử dụng là loại túi màng giấy không tan, bao theo từng chùm quả. Kết hợp với kỹ thuật cắt tỉa, nạo vỏ cành kích thích ra hoa. Mô hình đã hạn chế được 70% sâu cuống mà không cần sử dụng thuốc bảo vệ thực vật; giúp hạn chế quả rụng, tăng thời gian bảo quản quả 5 ngày so với không bao túi; mẫu mã của quả cũng đẹp hơn do chùm quả được bảo vệ. Áp dụng kỹ thuật này để hướng đến hình thành vùng sản xuất vải chín sớm theo tiêu chuẩn VietGAP của tỉnh.

Dự án phát triển vùng trồng cam tập trung tại huyện Đầm Hà, Vân Đồn giai đoạn 2015-2018

Dự án đã triển khai trồng mới diện tích 120 ha, áp dụng đồng bộ các biện pháp kỹ thuật từ khâu làm đất, bón phân, chăm sóc, cắt tỉa, phòng trừ sâu bệnh với mục tiêu xây dựng vùng cam chất lượng cao tập trung trên địa bàn tỉnh. Thông qua việc ứng dụng các giống cam có khả năng thích nghi rộng với các điều kiện ngoại cảnh, chất lượng tốt, thời gian chín lệch nhau nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm, rải vụ để giảm áp lực về thị trường, cụ thể: Dự án chủ yếu sử dụng 02 giống cam chính là giống cam chín sớm CS1, thời gian chín từ tháng 10 - 11; giống cam chín muộn Valencia (cam V2), thời gian chín từ tháng 2 - 5. Bên cạnh đó, sử dụng một số giống cam chín chính vụ như: cam đường canh, cam địa phương (cam sen, cam sáp, cam tẩu,...). Áp dụng các kỹ thuật chăm sóc, cắt tỉa theo Đài Loan để tạo tán cây thấp, tạo điều kiện thuận lợi cho khâu chăm sóc, thu hoạch. Ngoài ra, dự án còn hỗ trợ các hộ tham gia một số máy làm đất, làm cỏ, hệ thống tưới và thùng ngâm ủ phân hữu cơ vi sinh.

Hiện nay, diện tích trồng mới năm 2016 (70 ha), cây sinh trưởng, phát triển đồng đều, chiều cao cây từ 1,4- 2,0m, đường kính gốc đạt 3- 5cm, một số hộ đã để quả bói, chất lượng quả tốt, quả ăn ngọt, đậm hơn so với một số giống cam của địa phương (trừ các giống cam ngọt: cam đường canh, quýt ngọt,...). Đối với diện tích cam trồng năm 2017, chiều cao cây đạt 1,0-1,6m, cây sinh trưởng, phát triển khỏe, ít sâu bệnh, tỷ lệ cây sống đạt trên 95%.

Nghiên cứu kỹ thuật ghép na Đài Loan trên cây na xiêm tại thị xã Quảng Yên

Tại các vùng ngập nước, bán ngập nước, đất bị nhiễm phèn, mặn, cửa sông ven biển tại Quảng Ninh, đặc biệt là thị xã Quảng Yên, Uông Bí có diện tích lớn cây na xiêm mọc hoang (người dân gọi là na dại hay na biển). Với mục tiêu cải tạo gốc na xiêm hiện có thành vườn na ăn quả thông qua phương pháp ghép na Đài Loan và các giống na hiện có trong tỉnh trên gốc cây na xiêm hoang và tạo cây giống na ghép để trồng mới trên những diện tích bán ngập nước tương tự. Qua nghiên cứu, xác định các cây có cùng họ na (Annona) nên có thể ghép được với nhau, tuy nhiên các đối tượng lại sống trên các loại thổ nhưỡng, lập địa khác nhau hoàn toàn (đất ngập, bán ngập nước, phèn, mặn và đất vườn đồi, pH trung tính hoặc hơi kiềm, nước ngọt) nên việc nghiên cứu kỹ thuật ghép phải dựa trên cơ sở khoa học trong và ngoài nước, liên quan đến đối tượng. Đây là vấn đề hoàn toàn mới trong tỉnh và trong nước, đã sử dụng vật liệu trung gian là Annona reticulata, kết quả tiếp hợp kém, tỷ lệ sống thấp; hiện vật liệu trung gian (Annona reticulata x Annona atemoya) đang giai đoạn ươm cây con. Đây là nghiên cứu cơ bản, nếu thành công sẽ phát triển được đối tượng rất mới tại Quảng Ninh.

Cây na dứa

Trồng thử nghiệm, theo dõi sinh trưởng, phát triển giống na dứa của Đài Loan. Qua 4 năm theo dõi, cây na dứa sinh trưởng rất khỏe, ít sâu bệnh, các chỉ tiêu về chất lượng tương đương với bên Đài Loan, trọng lượng quả bình quân 500 gram (tối đa 700gram), việc điều chỉnh thời gian, thời điểm thu hoạch chủ động, có thể nhân rộng vào sản xuất để hình thành vùng na dứa với dòng sản phẩm có giá trị kinh tế cao.

Nghiên cứu thử nghiệm một số dòng na mới tại thị xã Đông Triều tỉnh Quảng Ninh

Qua chuyến học tập tại Đài Loan, nhận thấy một trong những lý do thúc đẩy nông nghiệp Đài Loan đạt những thành tựu mà chính phủ Đài Loan đánh giá là đã hoàn thành sứ mạng của ngành nông nghiệp là yếu tố giống. Rất nhiều giống mới, giống năng suất, chất lượng được tạo ra và được bảo hộ bản quyền. Trong số đó có nhiều giống mà tỉnh Quảng Ninh cũng có những diện tích lớn, thậm chí là vùng sản xuất tập trung như na, cam, ổi... Với mục tiêu đánh giá một số dòng na nhập nội so với giống na dai, na bở đang trồng phổ biến tại Quảng Ninh, qua đó xác định được dòng na có hiệu quả để đa dạng cơ cấu giống, cải tạo dần các giống đã thoái hóa để nâng cao chất lượng vùng na tại Quảng Ninh, từ 9/2017, 02 giống na của Đài Loan đã được nhập về trồng và đang theo dõi sinh trưởng để so sánh với các giống na hiện có trong tỉnh.

Lĩnh vực thủy sản

Sinh sản nhân tạo giống ốc nhảy

Được thực hiện tại Vân Đồn, kỹ thuật sinh sản ốc nhảy nhân tạo thành công nhờ áp dụng công nghệ nuôi tảo đáy, tảo sệt theo công nghệ Đài Loan và dùng các loại tảo này làm thức ăn ban đầu cho ấu trùng ốc nhảy. Thông thường mỗi con ốc mẹ sinh sản được khoảng 13.000 trứng, số này nở thành ốc con, tuy nhiên tỷ lệ sống của ấu trùng rất nhỏ do trước đây chủ yếu cho ăn tảo phù du. Nuôi được tảo sệt, tảo đáy làm nâng cao tỷ lệ sống của ấu trùng gấp 10 lần so với trước đây. Hiện tại, kỹ thuật đang được áp dụng cho sinh sản nhân tạo ở quy mô lớn tại xã Bản Sen.

Sinh sản nhân tạo giống sá sùng

Vận dụng kiến thức, kỹ năng học tập sau chuyến công tác Đài Loan, khi trở về áp dụng vào điều kiện thực tiễn tại Quảng Ninh, các kỹ sư thủy sản của đoàn đã phối hợp cùng với trường Cao đẳng Thủy sản IV cho sinh sản thành công đối tượng sá sùng tại Quảng Yên, từ nguồn bố mẹ được nuôi vỗ tại chỗ nhờ công nghệ nuôi tảo. Số giống sinh sản ra đang được nuôi theo nhiều hình thức tại các bãi nuôi sá sùng (huyện Vân Đồn và huyện Đầm Hà). Các thành viên vẫn tiếp tục phối hợp nghiên cứu để hoàn thiện quy trình sản xuất giống cũng như quy trình nuôi để giúp người nuôi phát triển đối tượng có giá trị này.

Mô hình nuôi cá biển bằng lồng thân thiện với môi trường

Nghề nuôi cá biển đã phát triển tại Quảng Ninh từ lâu bằng kỹ thuật nuôi trong lồng. Lồng được làm bằng khung gỗ hoặc tre với phao bằng xốp. Các loại vật liệu này không bền, đặc biệt là khả năng chịu lực va đập do sóng, gió thấp. Khi không còn giá trị sử dụng thì vật liệu này thường thả trôi trên biển gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến mỹ quan.

Nuôi cá lồng bằng vật liệu nhựa chịu lực và thân thiện với môi trường

Xây dựng và triển khai dự án phát triển nghề nuôi cá lồng bằng vật liệu nhựa HDPE chịu lực và thân thiện với môi trường với 30 lồng nuôi cá trên biển tại Vân Đồn, Đầm Hà. Lồng được thiết kế trên cơ sở mô phỏng lồng của Đài Loan và được điều chỉnh thông qua tiếp thu ý kiến của người nuôi. Cùng với việc thay thế  phần lớn nguồn thức ăn cá tạp (mô hình truyền thống) sang thức ăn công nghiệp và nuôi bán công nghiệp giúp kiểm soát được nguồn thức ăn khi trái mùa, kiểm soát môi trường nuôi, hạn chế lượng thức ăn thừa thải loại ra môi trường gây ô nhiễm. Nhóm thực hiện dự án đã tham gia cuộc thi sáng tạo khoa học kỹ thuật của tỉnh với giải pháp thiết kế lồng nuôi nói trên và đạt giải ba.

Mô hình nuôi bào ngư theo công nghệ Đài Loan

Mô hình được thực hiện với sự phối hợp với Viện nghiên cứu Hải sản Hải Phòng triển khai tại huyện Cô Tô, trong đó có 01 mô đun đưa lên bể nuôi theo công nghệ nuôi bào ngư của Đài Loan. Với công nghệ nuôi trên bể thì mật độ nuôi tăng gấp 1,5 - 2 lần; nguồn nước và thức ăn tồn dư được kiểm soát, xử lý, đặc biệt là dễ kiểm soát được dịch bệnh, xử lý triệt để khi xuất hiện, tránh lây lan.

Qua tham gia lớp tập huấn ngắn hạn tại Đài Loan, rất nhiều kiến thức học được, tuy nhiên việc triển khai ứng dụng các kiến thức học được vào thực tiễn tại Quảng Ninh còn gặp khó khăn như: công tác quy hoạch vùng sản xuất cây ăn quả (vùng chi tiết) tại các địa phương chưa hoàn thiện; việc đầu tư cơ sở hạ tầng cho các vùng sản xuất còn nhiều hạn chế như: đường giao thông, điện, nguồn nước tưới,... nhất là tại các thôn vùng sâu, vùng xa. Tại một số địa phương, tuy đã được tập huấn, chuyển giao kỹ thuật sản xuất song mức độ áp dụng còn hạn chế do sản xuất còn phụ thuộc nhiều vào nguồn nhân lực, điều kiện kinh tế hộ. Một số thành viên đoàn học tập làm việc trên cương vị quản lý nhà nước, thời gian dành cho chuyển giao, áp dụng kỹ thuật Đài Loan vào sản xuất chưa nhiều. Công tác tuyên truyền, vận động hạn chế nên người dân tiếp cận các thông tin chưa đầy đủ. Nhiều kiến thức được kiểm chứng qua thực tiễn sản xuất, tuy nhiên vẫn còn có những vướng mắc, phát sinh trong quá trình áp dụng. Trong năm 2019 đề nghị tiếp tục cho phép một số cán bộ ngành nông nghiệp được sang Đài Loan kiểm chứng lại nội dung còn vướng mắc; công nhận kết quả tự nghiên cứu đối với cây na dứa; sơ kết 5 năm áp dụng kỹ thuật Đài Loan tại Quảng Ninh và tiếp tục áp dụng 5 năm tiếp theo./.

Nguyễn Khắc Dũng – Hoàng Thị Thế

Trung tâm Khuyến nông Quảng Ninh