Từ trước đến nay, các cây trồng đậu nành, ngô và khoai lang đã được chứng minh là khá thích ứng với điều kiện đất và thời tiết của xã Triệu Vân. Những năm gần đây, người dân đã đưa vào trồng thử nghiệm cây mướp đắng trên đất cát. Qua một thời gian cho thấy cây mướp đắng thích nghi nhanh, cho năng suất và sản lượng cao cũng như mang lại thu nhập khá ổn định cho người dân. Ban đầu chỉ vài hộ trồng thử, đến nay toàn xã Triệu Vân đã lan rộng trên khắp địa bàn xã, phát triển được trên 32 ha mướp đắng, trong đó tập trung nhiều nhất ở thôn 9. Một trong những điều thuận lợi trong hệ thống sản xuất nông nghiệp của xã Triệu Vân là có diện tích vườn từ 5.000 đến 10.000 m2 . Với diện tích rộng lớn này, nếu có sự đầu tư đúng đắn sẽ tạo nên một hệ thống sản xuất kết hợp được phát triển và mang lại thu nhập cao cho người dân địa phương.

 

Trong những ngày này, nếu có dịp ghé thăm Triệu Vân bạn sẽ thấy những đổi thay. Không còn là cái nắng oi ả khó chịu, không còn là một màu trắng xóa mà thay vào đó là một màu tươi xanh mát mẻ của những giàn mướp với những bông hoa vàng, những quả to, dài treo lơ lửng dưới mái giàn chữ A bên hiên nhà.

 

Vườn mướp đắng của gia đình chị Hoa, anh Hạnh

 

Ghé thăm khu vườn mướp đắng đang lên xanh mướt của hộ gia đình anh Hồ Hồng Hạnh ở thôn 9, chúng tôi không khỏi ngạc nhiên vì vườn mướp rất sai quả. Vừa thoăn thoắt thu hoạch những trái mướp đắng trên giàn, chị Phan Thị Hoa, vợ anh Hạnh vui vẻ cho biết: “Việc trồng mướp không khó nhưng đòi hỏi tính bền bỉ, sự cần cù chịu khó trong tất cả các khâu trồng. Đặc biệt khi mướp bắt đầu ra trái thì phải kiểm tra thường xuyên không cho trái dính lá hay trái mọc công. Vì theo chị Hoa nếu trái mới ra mà dính lá thì sẽ rất dễ mắc sâu bệnh, và phải tạo không gian xung quang để quả mọc thẳng, như thế quả mới to, dài và đẹp, bán được giá cao".

 

Đang chăm sóc vườn mướp của mình, anh Hoàng Văn Ảnh, một hộ dân khác trong thôn cũng chia sẻ vói chúng tôi những kinh nghiệm riêng của mình. Anh cho biết: "Ngoài việc bón phân đúng thời điểm cần phải thường xuyên cắt tỉa lá già, lá úa, lá bệnh, tạo thoáng mát cho giàn, hạn chế sâu bệnh hại và cắt ngọn để cây ra nhiều nhánh. Các loại phân chuồng, phân gia cầm... rất thích hợp với cây mướp đắng. Ban đầu thì mình bón phân tận gốc rễ cho nó bén rễ, sau khi cây đã lên thì mình cứ bón ra xa gốc dần nhằm tạo cho cho bộ rễ phát triển tốt có thể chống chịu với cái nắng khắc nghiệt nơi đây".

 

Mướp là loại thực phẩm dân dã nên dễ tiêu thụ. Giá bán thời gian đầu và cuối vụ thường từ 22.000 đến 30.000 đồng/kg. Thời điểm thu hoạch rộ, giá mướp trên thị trường vẫn giữ ổn định ở mức từ 110.000 – 13.000 đồng/kg. Sau khi trừ chi phí, mỗi vụ mướp gia đình Anh thu lời trên 30 triệu đồng.

 

Trong quá trình sản xuất để tận dụng, tránh tình trạng lảng phí người dân trồng mướp đã áp dụng các biện pháp luân canh tăng vụ hoặc kết hợp trồng mướp với các loại cây trồng khác như cà, nén, kiệu... nhằm nâng cao hiệu quả kinh tế trên một đơn vị diện tích đất. Dù lợi nhuận mang lại không lớn so với những nghề khác nhưng việc canh tác hoa màu trên vùng cát làm được quanh năm nên cuộc sống người dân Triệu Vân đã ổn định hơn nhiều so với các năm trước. Với kỹ thuật chăm sóc không đòi hỏi khắt khe, cây bền, sai quả, giá cả và đầu ra ổn định, hiệu quả đạt được của cây mướp đắng mang lại đã làm cho cây này dần trở thành cây chủ lực và cây trồng thế mạnh trong vùng, mô hình trồng mướp đã và đang được nông dân lựa chọn làm hướng đi mới và nó sẽ là cây trồng đầy hứa hẹn mang lại những khởi sắc trên vùng cát trắng ven biển này.

 

Phan Việt Toàn – TTKNKN Quảng Trị