... trong đó tàu đánh cá xa bờ là 175 chiếc. Sản phẩm thủy sản khai thác chủ yếu là các loại cá có giá trị kinh tế cao như cá thu, cá ngừ, mực… Tuy nhiên, sản phẩm thủy sản của bà con ngư dân từ lúc đánh bắt được cho đến khi tiêu thụ bị hao hụt chất lượng từ 25 - 30% nên giá bán thấp, hiệu quả kinh tế đem lại không như mong đợi. Vì vậy, việc nâng cao trình độ và công nghệ nhằm tăng giá trị sản phẩm thủy sản khai thác là yêu cầu cấp thiết.

 

Để nâng cao hiệu quả đánh bắt, khai thác xa bờ dài ngày, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia (KNQG) vừa phối hợp với Trung tâm Khuyến nông Khuyến ngư Quảng Trị (KNKN) triển khai thực hiện mô hình “Bảo quản sản phẩm thủy sản khai thác bằng vật liệu PU” trên tàu xa bờ số hiệu QT92019TS, công suất 135CV do ông Hồ Minh Tiến ở tại khu phố Quang Hải – thị trấn Cửa Tùng (huyện Vĩnh Linh) làm thuyền trưởng. Mô hình gồm 2 hầm bảo quản sản phẩm bằng vật liệu PU có diện tích 60m2, 1 thùng sơ chế lạnh hải sản và 200 khay nhựa dùng để đựng hải sản trong hầm, tổng kinh phí hỗ trợ thực hiện mô hình là 98 triệu đồng.

 

Ông Nguyễn Văn Lung – phụ trách bộ phận khuyến ngư, Trung tâm Khuyến nông Quốc Gia cho biết: Hiện nay, phương pháp bảo quản phổ biến nhất đối với hầu hết ngư dân vẫn là bảo quản bằng đá xay. Với cách bảo quản này chất lượng hầm bảo quản đóng vai trò rất quan trọng trong việc giữ cho đá không bị tan chảy và giữ độ lạnh ổn định trong suốt quá trình khai thác. Tuy nhiên, hầm bảo quản lạnh của ngư dân hiện nay chủ yếu vẫn dùng vật liệu cách nhiệt là xốp ghép, khả năng giữ lạnh thấp, mức tiêu hao đá lớn nên ảnh hưởng đến chất lượng sản phẩm. Theo ông Lung, hầm bảo quản thủy sản truyền thống chỉ giữ được đá từ 7 - 10 ngày, khi đá tan chảy sẽ tạo cơ hội vi sinh vật có hại phát triển làm cho cá bị giảm chất lượng, hủy hoại vật liệu cách nhiệt, nhanh ngậm mùi. Chính vì vậy, chất lượng thủy hải sản đánh bắt sẽ bị giảm đáng kể trong quá trình bảo quản, vận chuyện dài ngày. Ngoài ra, tuổi thọ của hầm bảo quản truyền thống cũng rất ngắn, sau một thời gian sử dụng sẽ bị mất hơi làm đá tan chảy nhanh hơn, nên khoảng 4 - 5 năm là buộc phải làm lại hầm mới. Bên cạnh đó, do các tàu đánh bắt xa bờ chủ yếu dùng đá xay để ướp cá mà không có công đoạn làm lạnh từ từ nên dẫn đến chất lượng cá khi đưa vào bờ không tốt và giá thu mua thấp.

 

Với phương pháp xây dựng hầm bảo quản bằng loại vật liệu mới này sẽ giúp khắc phục các nhược điểm ở hầm truyền thống. Vật liệu PU (Poly Urethane) dạng lỏng dưới áp lực của máy nén khí được bơm vào các hộc gỗ đã đóng sẵn và những khe hở dù là rất nhỏ cũng được lấp đầy. Hỗn hợp dung dịch nở ra, khô cứng lại và bám chặt vào thành gỗ sẽ làm kín các kẽ hở, vì vậy cách nhiệt tốt và tránh được các lực tác động từ bên ngoài vỏ tàu. Yêu cầu kỹ thuật là lớp gỗ dày từ 1,5 - 2,5cm và lớp hợp chất PU dày từ 10 - 15cm. Sau khi phun PU vách hầm được bọc bằng inox để làm kín bề mặt gỗ của vách hầm tàu, ngăn nước thẩm thấu. Do inox không bị ăn mòn trong nước biển nên có độ bền cao, có bề mặt phẳng làm cho rong rêu khó bám, vệ sinh dễ dàng và chịu được lực va đập. Vách hầm tàu sau khi được ốp inox xong, những chỗ có khe hở (chỗ nối giữa tấm hai tấm inox và các góc hầm) sẽ được bơm keo silicon chịu nhiệt vào để làm kín. Với kết cấu như trên, hầm có độ kín cao, giữ nhiệt tốt và dễ dàng vệ sinh.

 

Theo anh Nguyễn Thăng Long – Cán bộ kỹ thuật trực tiếp chỉ đạo mô hình: Vật liệu PU khi phun vào sẽ bám chặt vào vách ngăn và mặt trong của vỏ tàu giúp giữ lạnh rất tốt, khối lượng nước đá mang theo được sử dụng đến 95% so với hầm bảo quản theo kiểu truyền thống chỉ đạt khoảng 60 - 70%. Độ tươi của cá được nâng lên đáng kể so, từ đó chất lượng sản phẩm được nâng lên. Tỷ lệ sản phẩm kém chất lượng giảm đáng kể chỉ còn 5 - 10% so với trước đây lên đến 30%. Đặc biệt là kéo dài thời gian đánh bắt trên biển nhưng vẫn đảm bảo cá, mực tươi đạt chất lượng. Kết cấu của hầm được lót xung quanh bằng inox rất thuận tiện công tác vệ sinh, không thấm nước như hầm bảo quản truyền thống, do đó hạn chế việc giảm chất lượng sản phẩm cũng như việc bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm. Bên cạnh đó, việc sử dụng thùng sơ chế lạnh hải sản để hạ nhiệt sản phẩm trước khi đưa vào hầm bảo quản, đồng thời thực hiện đúng quy trình sơ chế và bảo quản sản phẩm phù hợp với từng loại sản phẩm khai thác giúp sản phẩm thủy sản khai thác được bảo quản tươi, tăng chất lượng sản phẩm.

 

Cán bộ kỹ thuật kiểm tra việc thi công hầm bảo quản thủy sản bằng vật liệu PU

 

 Trao đổi với chúng tôi về hiệu quả của hầm bảo quản thủy sản bằng vật liệu PU, ông Hồ Minh Tiến nhận xét: Trước đây, một chuyến đi biển thường kéo dài khoảng 10 ngày là phải quay về để bảo đảm chất lượng hải sản. Khi đưa vào sử dụng hầm bảo quản mới làm bằng vật liệu PU đã tăng thời gian bảo quản lên 15 – 20 ngày, tỷ lệ cá đạt chất lượng lên đến 90 – 95%, do đó tiết kiệm chi phí xăng dầu đi lại và tăng sản lượng đánh bắt của mỗi thuyền. Ông Tiến so sánh: Chênh lệch nhiệt độ giữa 2 hầm thể hiện rõ rệt. Khi ở trong hầm vách gỗ thấy nóng nực và hơi ngộp thở, còn ở trong hầm làm bằng vật liệu PU thì thấy mát và không khí dễ chịu. Do vách hầm bảo quản bằng vật liệu PU được bọc bằng inox nên chỉ cần 1 người trong 10 phút có thể làm sạch hết mùi hôi và chất nhờn, trong khi hầm vách gỗ phải cần 2 người làm mất 30 phút, nhưng vẫn không hết mùi hôi và còn chất nhờn bám trên thành vách.
Mô hình bảo quản sản phẩm khai thác thủy sản bằng vật liệu PU bước đầu đã cho thấy kết quả khả quan như: sản phẩm được bảo quản sạch, chất lượng tăng lên, giảm chi phí sản xuất, tăng lợi nhuận cho ngư dân sau chuyến khai thác và hiện được nhiều ngư dân đồng tình. Ngay trong gia đình ông Tiến, sau khi nhận thấy hiệu quả mà mô hình hầm bảo quản thủy sản bằng vật liệu PU mang lại, anh Võ Văn Huynh – thuyền trưởng tàu QT 90019TS, là anh em cọc chèo với ông Tiến đã tự bỏ tiền túi ra thuê thợ về thi công ngay 2 hầm bảo quản như thế trên tàu cá của mình. Anh Huynh chia sẻ, đã là biển của ta, thềm lục địa của ta thì dù có xa bao nhiêu, gian khổ bao nhiêu, cũng phải đến cho được nơi đó làm ăn. Vì thế mà trong mỗi chuyến ra khơi, tàu của anh bao giờ cũng đến với ngư trường Trường Sa, Hoàng Sa, có khi còn ra tận vùng biển giáp với đảo Hải Nam của Trung Quốc. Tuy nhiên, do đây là các vùng biển xa nên thời gian đi về đã chiếm mất một nữa thời gian, chỉ còn lại 5 - 6 ngày để tàu anh có thể thả lưới đánh bắt. Anh Huynh hồ hởi, với 2 hầm bảo quản mới này thì từ nay mỗi chuyến biển của tôi sẽ kéo dài từ 15 – 20 ngày mà vẫn không sợ sản phẩm thủy sản đánh bắt được bị hư hỏng.

 

Phó giám đốc Trung tâm KNKN Quảng Trị Nguyễn Thanh Tùng nhận định: Muốn nâng cao hiệu quả đánh bắt, khai thác xa bờ dài ngày, việc bảo quản sản phẩm là yếu tố cực kỳ quan trọng. Việc xây dựng hầm bảo quản thủy sản bằng vật liệu PU đã khắc phục được các nhược điểm ở hầm bảo quản truyền thống, không làm trầy cá, độ lạnh được trải đều, giúp ngư dân tiết kiệm được một lượng lớn nước đá, kéo dài thời gian của một chuyến biển, giúp tăng sản lượng đánh bắt. Chất lượng cá bảo quản cao hơn nên giá bán cũng cao hơn trước đây. Mặc dù chi phí ban đầu làm hầm bảo quản theo phương pháp mới cao hơn từ 2 - 3 lần vật liệu truyền thống, nhưng tuổi thọ hầm chứa lại cao hơn 4 - 5 lần, với thời gian sử dụng từ 15 - 20 năm.

 

Có thể nói, với công nghệ mới này, các tàu cá xa bờ có thể tăng thời gian bám biển, tăng giá thành sản phẩm thủy sản khai thác được, mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn so với trước đây, góp phần thúc đẩy phát triển nghề khai thác xa bờ, giữ vững an ninh - quốc phòng, khẳng định chủ quyền vùng biển quốc gia.

 

Thục Quyên