Với mục đích chuyển giao tiến bộ kỹ thuật mới về nuôi gà thịt theo hướng an toàn sinh học, thay đổi phương thức chăn nuôi, từ chăn nuôi thả rông, tận dụng, chuyển sang hình thức chăn nuôi có chuồng trại, có đầu tư, chăm sóc, quản lý và kiểm soát dịch bệnh, giảm chi phí chăn nuôi và đảm bảo vệ sinh môi trường. Năm 2019, được sự hỗ trợ của Trung tâm Khuyến nông tỉnh, trạm Khuyến nông huyện Đakrông đã triển khai mô hình chăn nuôi gà thịt trên nền chuồng đệm lót sinh học tại xã Ba Lòng, huyện Đakrông.

Mô hình được triển khai tại 3 thôn Thạch Xá, Hà Vụng và Mai Sơn, với quy mô nuôi 1.100 con, gồm 11 hộ tham gia nuôi (mỗi hộ 100 con). Đây là giống gà Ri Dabaco 3/4, 01 ngày tuổi, tỷ lệ trống mái 50/50, có nguồn gốc rõ ràng, đảm bảo quy trình phòng bệnh, cách ly, kiểm dịch theo quy định. Các hộ tham gia mô hình được hỗ trợ 70% chi phí mua gà giống, chế phẩm làm đệm lót, chi phí thức ăn và thuốc thú y, vật tư. Bên cạnh đó, các hộ tham gia mô hình và bào con nơi đây còn được cán bộ của Trạm Khuyến nông huyện tập huấn chuyển giao kỹ thuật chăn nuôi, thường xuyên kiểm tra, giám sát, hướng dẫn các hộ chăn nuôi thực hiện theo đúng quy trình kỹ thuật. Thông qua các hoạt động thiết thực bằng việc “cầm tay chỉ việc”, mô hình đã nâng cao năng lực cho cán bộ địa phương và người dân, giúp cho bà con nông dân dễ dàng tiếp thu các kỹ thuật làm chuồng đệm lót và chăn nuôi.

Kiểm tra mô hình chăn nuôi gà thịt trên nền đệm lót sinh học tại xã Ba Lòng, huyện Đakrông.

Theo kỹ sư chăn nuôi Nguyễn Ngọc Chiến - Phó trưởng Trạm Khuyến nông huyện Đakrông cho biết: Về đệm lót thì mô hình đã sử dụng nguyên liệu là trấu, độ dày của đệm lót từ 10 – 12 cm. Men vi sinh (Balasa) là một chế phẩm sinh học có chứa tế bào sống các chủng vi khuẩn, nấm men, nấm sợi, các enzyme làm phân hủy chất hữu cơ, ức chế và tiêu diệt các hệ vi sinh vật có hại, giảm thiểu được mùi hôi thối. Trong quá trình nuôi sẽ áp dụng đệm lót sinh học và nuôi nhốt chuồng trong  hai tháng đầu, qua tháng thứ 3 sẽ thả gà ra vườn vào ban ngày để gà vận động, giúp chắc thịt.

Trước đây hầu hết bà con trên địa bàn xã Ba Lòng chăn nuôi gà hầu như không áp dụng các quy trình kỹ thuật nên hiệu quả chăn nuôi thấp. Nhờ triển khai các mô hình chăn nuôi gà đệm lót tại địa phương, bà con đã nhận thấy được nhiều lợi ích và hiệu quả thiết thực mà mô hình mang lại như: Không mùi hôi, khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường, ức chế và tiêu diệt sự phát triển của hệ vi sinh có hại, phân giải được một phần chất độn chuồng, tiết kiệm chi phí trong chăn nuôi và đàn gà ít bị dịch bệnh. Qua quá trình nuôi, đàn gà tăng trọng nhanh, trọng lượng bình quân sau 3 tháng nuôi đạt 1,6 kg/con đối với gà mái và 1,8 kg/con đối với gà trống, khả năng tiêu tốn thức ăn bình quân 2,7 kg/kg tăng trọng, tỷ lệ nuôi sống đạt 97%. Hiện nay, tại huyện Đakrông, do ảnh hưởng của dịch tả lợn châu Phi nên đàn gà Ri của mô hình bán được giá 100.000 đồng/kg, cao hơn bình thường 20.000 - 30.000 đồng/kg. Hoạch toán kinh tế cho thấy, sau khi trừ tất cả chi phí, mỗi hộ thu lãi 7,4 triệu đồng/100 con gà, sau 3 tháng nuôi.

Trước đây cũng như các hộ dân trên địa bàn xã Ba Lòng, gia đình ông Nguyễn Thú ở thôn Hà Vụng nuôi gà bằng phương pháp truyền thống, nên gà hay bị dịch bệnh và mùi hôi thối từ chất thải, gây ảnh hưởng đến cuộc sống của gia đình. Từ khi tham gia mô hình, tiếp thu kỹ thuật từ các lớp tập huấn, áp dụng phương pháp nuôi mới được cán bộ Trạm Khuyến nông chuyển giao hướng dẫn, đã mang lại hiệu quả một cách toàn diện. Giờ đây ông Thú đã biết cách chăm sóc đàn gà một ngày tuổi, tiêm phòng và bổ sung khẩu phần ăn theo từng giai đoạn sinh trưởng nên đàn gà của gia đình ông  nhanh lớn, tỷ lệ hao hụt thấp, giảm tỷ lệ mắc các loại dịch bệnh, bầu không khí và môi trường quanh gia đình rất trong lành.

Dẫn chúng tôi đi tham quan các mô hình, kỹ sư Nguyễn Ngọc Chiến cũng cho biết thêm: Việc chăn nuôi gà theo hướng an toàn sinh học sử dụng đệm lót sinh học đã làm tiêu hết phân do đó mùi hôi thối, khí độc trong chuồng nuôi giảm rõ rệt, hạn chế ô nhiễm môi trường, tạo môi trường sống tốt cho đàn gà. Trong quá trình nuôi, bà con chỉ đầu tư một lần, không phải thay chất độn chuồng, giảm tối đa công dọn chuồng. Gà được nuôi trên nền đệm lót giúp giảm tỷ lệ gà mắc bệnh đặc biệt là các bệnh về đường tiêu hóa, vì vậy giảm công và chi phí thuốc trong việc chữa trị bệnh. Gà nuôi trên nền đệm lót không bị thối bàn chân, không bị què chân, lông tơi mượt và sạch, thịt chắc và thơm ngon.

Gà nuôi trên nền đệm lót lông tơi mượt và sạch, thịt chắc và thơm ngon.

Điều đáng ghi nhận khi chúng tôi đến tham quan các mô hình nuôi gà thịt an toàn sinh học trên nền chuồng đệm lót sinh học do Trạm Khuyến nông huyện Đakrông triển khai là mô hình rất thân thiện với môi trường. Ngoài hiệu quả kinh tế mang lại, giờ đây ý thức của người dân đã thay đổi từ việc chăn nuôi thả rông sang chăn nuôi có đầu tư kỹ thuật, biết đầu tư công lao động cho việc chăm sóc đàn gà nhiều hơn. Mô hình được chính quyền địa phương và bà con nông dân trong và ngoài mô hình đánh giá hiệu quả cao và rất phù hợp với việc phát triển chăn nuôi tại địa phương. Thông qua những hoạt động thiết thực trong việc xây dựng các mô hình đã giúp cho các hộ nghèo xã Ba Lòng tiếp cận với cách làm ăn mới, có thêm kinh nghiệm chăn nuôi, để phát triển kinh tế trong hộ gia đình. Các hoạt động mà Trạm khuyến nông huyện Đakrông triển khai đều dựa vào nguồn lực tại chỗ của các hộ dân, để khi kết thúc người dân dựa vào nội lực của hộ biết cách phát huy lợi thế của địa phương, các mô hình này sẽ được duy trì, phát triển và nhân rộng một cách bền vững trong cộng đồng.

Trao đổi với chúng tôi ông Phan Minh Lộc- Phó Chủ tịch UBND xã Ba Lòng cho biết: Từ thực tế qua các mô hình chăn nuôi gà được Trạm Khuyến nông huyện triển khai trên địa bàn xã cho thấy, việc ứng dụng công nghệ đệm lót bằng chế phẩm sinh học trong chăn nuôi gà đã góp phần đáng kể hạn chế ô nhiễm môi trường, đảm bảo an toàn dịch bệnh, nâng cao chất lượng đàn gà. Mô hình chăn nuôi gà thịt trên đệm lót sinh học là mô hình phù hợp với phát triển chăn nuôi theo hướng nông nghiệp sạch, phát triển bền vững, nhất là trong điều kiện hiện nay khi chăn nuôi lợn trên địa bàn gặp nhiều rủi ro, nên được người dân cũng như địa phương chúng tôi đang rất quan tâm. Đây là mô hình dễ ứng dụng, vốn đầu tư không cao, thực hiện trong thời gian ngắn nhưng hiệu quả kinh tế mang lại khá cao cho người chăn nuôi. Từ thành công của mô hình UBND xã sẽ tuyên truyền vận động bà con quanh vùng đến tham quan, học hỏi. Trong thời gian tới chúng tôi sẽ có kế hoạch nhân rộng mô hình này, nhằm tận dụng lao động nhàn rỗi ở địa phương, giúp bà con phát triển kinh tế.

Phan Việt Toàn

TT Khuyến nông Quảng Trị