Mô hình được triển khai trên diện tích 20 ha, sử dụng giống lúa Bắc Thơm 7, tại hợp tác xã Triệu Thuận, huyện Triệu Phong. Tham gia mô hình gồm có 101 hộ, các hộ dân được Trung tâm Khuyến nông hỗ trợ 100% giống và 30% vật tư phân bón. Điểm khác biệt của mô hình sản xuất lúa theo hướng hữu cơ so với các mô hình đại trà là mô hình sử dụng phân bón hữu cơ Quế Lâm và 100% hộ tham gia mô hình sử dụng phân chuồng được ủ bằng chế phẩm Trichoderma. Được biết áp dụng quy trình sản xuất theo hướng hữu cơ, khả năng chống chịu sâu bệnh của cây lúa sẽ tốt hơn; trong thời kỳ lúa trỗ, ruộng sẽ ít nhiễm rầy, khô vằn, cho bông dài, lúa sạch sâu bệnh, gạo trong, cơm mềm dẻo và có mùi thơm đặc trưng.

Trong quá trình triển khai mô hình, Trung tâm Khuyến nông đã phối hợp cùng Hợp tác xã chọn ruộng ở mức độ trung bình, ruộng chuyên sản xuất 2 vụ lúa. Trước khi bắt đầu vào vụ sản xuất 45 ngày, cán bộ kỹ thuật của Trung tâm đã tổ chức tập huấn hướng dẫn cho bà con quy trình ủ phân hữu cơ, quy trình kỹ thuật thâm canh lúa theo hướng hữu cơ, gieo bằng công cụ sạ hàng, đồng thời cán bộ kỹ thuật sẽ trực tiếp theo dõi chỉ đạo trong suốt thời gian thực hiện mô hình.

100% các hộ tham gia mô hình sử dụng phân hữu cơ để bón

Gặp chúng tôi trong khi đang vận chuyển phân hữu cơ ra ruộng, ông Lê Thành Trung, đội 7, xã Triệu Thuận, huyện Triệu Phong cho chúng tôi biết, hiện ông đang canh tác 2.500m2 lúa hữu cơ ở vụ thứ 2. Bên cạnh việc không lo chất lượng sản phẩm gạo tiêu dùng cho gia đình thì tại các thửa ruộng nhà ông Trung, thổ nhưỡng đã được cải thiện rất nhiều. “Để chuẩn bị cho vụ sản xuất Đông Xuân này, từ đầu tháng 11/2018, sau khi được cán bộ tập huấn kỹ thuật ủ phân hữu có vi sinh, gia đình tôi đã áp dụng, ủ hơn 2 khối các phế phụ phẩn nông nghiệp bằng chế phẩn Trichoderma, đến nay đã cho trên 2 tấn phân hữu cơ. Bản thân tôi và các hộ dân nơi đây rất phấn khởi khi được tiếp cận các kỹ thuật gieo trồng tiên tiến và an toàn như thế này”, ông Trung nói.

Ông Lê Văn Biểu, Phó Giám đốc Hợp tác xã Triệu Thuận, huyện Triệu Phong chia sẻ: Trước đây, bà con nơi đây thường dùng và lạm dụng thuốc trừ sâu, thuốc bảo vệ thực vật nên không chỉ ảnh hưởng tới chất lượng sản phẩm mà còn ảnh hưởng trực tiếp tới sức khỏe của người nông dân. Đến nay, khi canh tác lúa hữu cơ, không còn tình trạng vỏ chai thuốc tràn lan bừa bãi tại các bờ ruộng mà thay vào đó là bà con đã ý thức chấp hành quy trình chăm sóc lúa bằng phân hữu cơ, giúp cây lúa tăng trưởng tốt, cải tạo đất và bảo vệ sức khỏe người nông dân.

Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Bảy - Trưởng phòng Kỹ thuật chuyển giao công nghệ, Trung tâm Khuyến nông Quảng Trị cho biết: Phát triển nông nghiệp theo phương pháp canh tác hữu cơ không chỉ góp phần tạo ra những sản phẩm hữu cơ có lợi cho sức khỏe con người mà về lâu dài còn góp phần cải tạo thổ nhưỡng, bảo vệ môi trường sinh thái. Trong những năm qua, ngành nông nghiệp nói chung cũng như Trung tâm Khuyến nông Quảng Trị nói riêng thường xuyên hướng dẫn nông dân tham gia các mô hình sản xuất mới theo hướng hữu cơ nhằm tăng năng suất và chất lượng, giảm chi phí đầu tư, tạo sản phẩm an toàn cho người tiêu dùng.

Phan Việt Toàn

TT Khuyến nông Quảng Trị