Với 18 xã và 02 thị trấn, huyện Sông Mã là một trong những địa bàn còn nhiều khó khăn của tỉnh miền núi Sơn La. Bám sát đặc điểm của địa bàn và nhất là nhu cầu thực tế của người dân, đội ngũ cán bộ khuyến nông ở huyện Sông Mã đã thường xuyên phát huy tốt vai trò “cầu nối” đưa tiến bộ kỹ thuật đến với đồng bào các dân tộc trong huyện. Theo đó, để giúp nông dân có điều kiện áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào thâm canh sản xuất, Trạm Khuyến nông huyện Sông Mã đã chủ động xây dựng kế hoạch và tổ chức nhiều khóa tập huấn, hội thảo, tham quan điểm sản xuất trình diễn, tư vấn và hướng dẫn kỹ thuật sản xuất... Chỉ tính trong năm 2017 và quý I năm 2018, Trạm đã tổ chức được hơn 300 khóa tập huấn, chuyển giao kỹ thuật về kiến thức phòng, chống dịch bệnh, phương pháp nuôi trồng mới cho gần 10.000 lượt nông dân; tổ chức nhiều cuộc hội thảo về các mô hình sản xuất mang lại hiệu quả kinh tế cao như mô hình trồng cây chít, trồng ngô vụ đông, chăn nuôi dê sinh sản... Trạm cũng chỉ đạo lực lượng khuyến nông viên cơ sở trao đổi, hướng dẫn trực tiếp trên 750 hình thức hoạt động về các kỹ thuật trong sản xuất nông nghiệp cho hơn 9.000 người dân tại các xã trong toàn huyện. Thông qua các khóa tập huấn, các hoạt động chuyển giao kỹ thuật đã từng bước giúp bà con dần thay đổi tập quán canh tác cũ; đồng thời được tiếp cận những cách làm hiệu quả, có cơ hội học hỏi, trao đổi kinh nghiệm, nâng cao trình độ trong chăn nuôi, trồng trọt.

Khuyến nông Sông Mã hỗ trợ người dân xây dựng thành công nhiều mô hình chăn nuôi, trồng trọt

Song song với đó, điểm nổi bật trong hoạt động đồng hành cùng nông dân phát triển sản xuất của Trạm Khuyến nông huyện Sông Mã đó là Trạm đã đặc biệt chú trọng việc xây dựng, chuyển giao các mô hình trồng trọt và chăn nuôi cho năng suất, hiệu quả kinh tế cao. Theo đồng chí Đinh Thị Hảo, Trưởng Trạm Khuyến nông huyện Sông Mã, đặc điểm của bà con vùng cao đó là chỉ tin vào những gì họ tận mắt nhìn thấy nên việc xây dựng mô hình điểm trong thực tiễn là rất quan trọng. Do đó, ngay từ đầu, Trạm đã nghiên cứu, lựa chọn các mô hình làm điểm bảo đảm phù hợp với điều kiện địa phương, có tính khả thi và có hiệu quả kinh tế. Quá trình thực hiện các mô hình, đội ngũ cán bộ khuyến nông của Trạm đã thường xuyên bám sát thực địa để vừa hướng dẫn các hộ tham gia mô hình vừa kịp thời phát hiện và xử lý các loại sâu bệnh cũng như những bất thường xuất hiện ở vật nuôi, cây trồng. Do đó, nhìn chung các mô hình điểm đều được thực hiện thành công; tạo được niềm tin đối với người dân địa phương. Điển hình như các mô hình: thâm canh nhãn theo tiêu chuẩn VietGAP; trồng rau sạch trong nhà lưới; nuôi gia cầm sinh sản; chăn nuôi lợn đực giống ngoại…

Là một trong những mô hình điểm đã khẳng định rõ hiệu quả trên thực tiễn, mô hình chăn nuôi lợn đực giống ngoại được Trạm Khuyến nông huyện Sông Mã triển khai từ năm 2014 với tổng kinh phí 133 triệu đồng. Được thực hiện tại các xã Chiềng Khoong, Nà Nghịu, Chiềng Cang, Chiềng Sơ và Yên Hưng, các hộ tham gia mô hình được hỗ trợ một phần chi phí giống, thức ăn chăn nuôi; tham dự 2 lớp tập huấn hướng dẫn kỹ thuật sản chăn nuôi an toàn, giúp người nuôi lợn biết thực hiện các biện pháp kỹ thuật, tạo môi trường chăn nuôi an toàn, giảm tỷ lệ phối giống trực tiếp, hạn chế bệnh truyền lây qua đường sinh dục và tránh phối giống đồng huyết, lợn nái đạt tỷ lệ thụ thai cao… Nhờ đó, chất lượng đàn lợn ngày càng nâng cao, sức đề kháng và tốc độ sinh trưởng của đàn lợn được nâng lên do hạn chế được hiện tượng phối giống đồng huyết, cận huyết… Ông Lò Văn Cảnh ở xã Chiềng Khoong, huyện Sông Mã, một hộ dân tham gia thực hiện mô hình chăn nuôi lợn đực giống ngoại cho biết: Với việc thực hiện các kỹ thuật do cán bộ khuyến nông hướng dẫn, chất lượng đàn lợn của gia đình tôi đã tốt hơn hẳn, giảm chi phí mua thuốc điều trị do lợn có sức đề kháng tốt; giảm công chăm sóc; năng suất, giá trị kinh tế lại cao hơn trước. “Thực hiện theo mô hình này, từ năm 2015 đến nay, bình quân mỗi năm gia đình tôi đã thu được khoảng 150 - 160 triệu đồng từ tiền xuất bán lợn thịt và lợn giống. Gia đình tôi cũng đã hướng dẫn một số hộ khác trong xã cùng làm theo”, ông Lò Văn Cảnh chia sẻ thêm.

Thực tế ở huyện Sông Mã thời gian qua cho thấy, để hoạt động khuyến nông thực sự là động lực hỗ trợ người dân phát triển sản xuất, vấn đề quan trọng đó là các mô hình khuyến nông được chọn phải bảo đảm phù hợp với từng vùng, điều kiện sản xuất và trình độ canh tác của người dân. Trên cơ sở đó, việc thực hiện và từng bước nhân rộng các mô hình nói trên sẽ vừa giúp tăng thu nhập cho nông dân, vừa nâng cao giá trị sản xuất nông nghiệp của các địa phương. Đồng thời, cơ quan khuyến nông và lực lượng cán bộ khuyến nông cũng cần tham mưu để cấp ủy, chính quyền các cấp tăng cường liên kết với các tổ chức, doanh nghiệp tìm đầu ra ổn định cho các sản phẩm; tiếp tục chuyển giao tiến bộ kỹ thuật phù hợp với điều kiện, tiềm năng, lợi thế của địa phương, đáp ứng tốt yêu cầu của nông dân…

Có thể nói, thông qua nhiều hình thức, nội dung hoạt động phong phú, nhất là với việc chuyển giao áp dụng kỹ thuật, xây dựng các mô hình trồng trọt, chăn nuôi, Trạm Khuyến nông huyện Sông Mã đã và đang chung sức giúp người dân các xã, thị trấn trên địa bàn huyện có thêm điều kiện vươn lên thoát nghèo. Không chỉ tạo cơ sở để bà con có điều kiện tiếp cận các tiến bộ khoa học kỹ thuật, từng bước nâng cao trình độ thâm canh, cán bộ khuyến nông còn trực tiếp hỗ trợ người dân xây dựng thành công nhiều mô hình trồng trọt, chăn nuôi qua đó giúp người dân phát triển sản xuất, tăng thu nhập, cải thiện đời sống; góp phần tích cực vào công tác xóa đói, giảm nghèo ở địa phương./.

Tạ Quang Đạo