Kiểm tra mô hình nuôi ba ba gai

Trung tâm Khuyến nông đã hỗ trợ 300 con giống ba ba gai cho 3 hộ (mỗi hộ 100 con giống) và một phần thức ăn. Mục đích của mô hình là nhằm tạo điều kiện cho các hộ có điều kiện nuôi ba ba tiếp cận kỹ thuật nuôi loài ba ba mới là ba ba gai, qua đó nâng cao hơn nữa hiệu quả sử dụng sản phẩm thủy sản khai thác từ lòng hồ Dầu Tiếng.

Ba ba gai có đặc điểm tăng trọng nhanh hơn so với các giống ba ba nuôi tại địa phương. Khi trưởng thành ba ba gai có trọng lượng cơ thể to hơn ba ba hoa được nuôi phổ biến trong các hộ dân, thịt có chất lượng và dinh dưỡng cao, giá trị thương phẩm cũng cao hơn. Với giá thị trường bình quân từ 600.000 - 650.000 đồng/kg, cao gấp đôi so với các loại ba ba thông thường, ba ba gai mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn các giống ba ba nuôi tại địa phương.

Qua trao đổi với chúng tôi, ông Tâm (hộ tham gia mô hình nuôi ba ba tại ấp Cây Khế xã Tân Hòa huyện Tân Châu) phấn khởi cho biết: Sau khi thả nuôi được 3 tháng, ba ba gai tăng trọng rất nhanh, với trọng lượng hiện nay là 400gr/con so với lúc thả nuôi trọng lượng bình quân 100gr/con. Nuôi ba ba Gai là một công việc đòi hỏi phải có nguồn vốn lớn và kỹ thuật cao, do là đối tượng mới nên nguồn con giống khan hiếm, giá giống khá đắt, con giống 100gr giá khoảng 400.000 đồng/con.

Nhiều năm qua, Trung tâm Khuyến nông Tây Ninh liên tục triển khai các dự án nuôi ba ba trong ao bể nhằm đạt được mục tiêu hình thành vùng nuôi ổn định. Qua quá trình triển khai mô hình, hiệu quả bước đầu cho thấy định hướng nâng cao giá trị kinh tế trên đối tượng thủy sản đặc sản truyền thống ở những địa phương này là hướng đi đúng đắn phù hợp với chủ trương tái cơ cấu ngành nông nghiệp, tạo được sinh kế và hướng đi mới trong nuôi trồng thủy sản của nông dân.

Trần Thanh Sang

Trung tâm Khuyến nông Tây Ninh