Mô hình trồng cây lâm nghiệp phân tán tại huyện Phú Bình

Để chủ động thực hiện nhiệm vụ kế hoạch, Trung tâm Khuyến nông Thái Nguyên đã có văn bản về việc triển khai kế hoạch trồng cây phân tán gửi các đơn vị. Trên cơ sở đó, Trạm Khuyến nông các huyện, thành, thị thông báo kế hoạch xuống cơ sở xã, thôn, bản để tổng hợp nhu cầu trồng cây và tổ chức lực lượng tham gia. Đồng thời, các cán bộ khuyến nông tăng cường kiểm tra, đôn đốc hướng dẫn kỹ thuật, bám sát cơ sở; hướng dẫn các hộ gia đình, các đơn vị tích cực chuẩn bị hiện trường như: xử lý thực bì, đào lấp hố… để khi thời vụ đến có thể cấp cây trồng được ngay. Tham gia dự án người dân được nhà nước hỗ trợ 50% cây giống   góp phần giảm bớt chi phí đầu tư, vừa khuyến khích nâng cao vai trò, trách nhiệm của người dân trong công tác trồng cây, trồng rừng.

Kết quả từ năm 2010 đến tháng 4 năm 2016  đã trồng được gần 2.200 ha với gần 3,6 triệu cây phân tán, trong đó gần 2 triệu cây đất vườn hộ và gần 1,6 triệu cây đất công; chủ yếu là cây keo Tai tượng. Theo đánh giá của Ban Quản lý Dự án và các hộ nông dân tham gia trồng cây keo Tai tượng phân tán, cây trồng được chăm sóc, quản lý bảo vệ tốt, đạt tỷ lệ sống cao, bình quân từ 90-95%; chỉ sau một năm chiều cao đạt từ 1,5-2m, đường kính gốc đạt 1,5-2cm, cây sinh trưởng và phát triển tốt, sau 5 năm cây keo sẽ cho thu hoạch.  

Theo bà Đinh Thị Tâm – Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông tỉnh Thái Nguyên, Dự án trồng cây lâm nghiệp phân tán do Trung tâm Khuyến nông triển khai trong những năm qua phù hợp với khả năng, điều kiện sản xuất và nhu cầu của người dân, được nhân dân đồng tình ủng hộ và tích cực thực hiện. Đồng thời, dự án đã góp phần nâng cao nhận thức của người dân về giá trị cây phân tán đối với việc phát triển kinh tế hộ từ đó nâng cao thu nhập và giảm sức ép tới rừng; tận dụng tối đa quỹ đất  xây dựng và phát triển rừng bền vững đưa lâm nghiệp trở thành một nghề phát triển kinh tế xã hội của người dân miền núi.

Thái Nguyên là tỉnh có miền núi diện tích rừng và đất lâm nghiệp chiếm hơn một nửa diện tích đất tự nhiên; trong đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp đến năm 2020, tỉnh Thái Nguyên phấn đấu ổn định tỷ lệ che phủ rừng 50% trở lên; định hướng phát triển lâm nghiệp theo hướng bền vững, ổn định tỉ lệ che phủ rừng, bảo vệ môi trường sinh thái.

Bởi vậy, cùng với khuyến khích triển khai trồng rừng tập trung tại các địa bàn miền núi, địa bàn có quỹ đất lâm nghiệp; đối với khu vực thành thị, các địa bàn có ít diện tích đất lâm nghiệp và manh mún cần đẩy mạnh công tác trồng cây phân tán, cùng với khuyến khích trồng cây phân tán tại các nơi công cộng, trong các cơ quan, xí nghiệp, trường học, bệnh viện… tạo môi trường xanh, sạch, đẹp.

Dương Trung Kiên

Trung tâm Khuyến nông Thái Nguyên