Năm 2017, Trung tâm Khuyến nông tỉnh Thái Nguyên đã triển khai xây dựng mô hình sản xuất chè hữu cơ tại xóm Văn Hữu, xã Hóa Thượng, huyện Đồng Hỷ, tỉnh thái Nguyên với 4 hộ nông dân tham gia, quy mô sản xuất 5 ha chè. Để thực hiện mô hình, Trung tâm đã liên kết với Công Ty Cổ phần Ntea chi nhánh Thái Nguyên.

Theo bà Nguyễn Kim Đương - Phó phòng Thông tin - Đào tạo, Trung tâm Khuyến nông Thái Nguyên, nhiều năm nay bà con nông dân trồng và chăm sóc chè đã quen sử dụng hóa chất và bón phân hóa học, bởi vậy các chất dinh dưỡng trong đất bị mất, đất trở nên khô cứng và còn tồn dư hóa chất. Vì vậy, trước khi sản xuất chè hữu cơ cần phải có quá trình cải tạo và bổ sung các chất dinh dưỡng, hữu cơ cho đất…

Bà con tham gia mô hình được cán bộ khuyến nông hướng dẫn sử dụng phân hữu cơ hoai mục và chế phẩm hữu cơ theo quy trình. Làm đất theo cách cày, xới bề mặt, cuốc rãnh sâu 20 - 30 cm để bón phân. Sử dụng phân hữu cơ hoai mục có hàm lượng dinh dưỡng cao, đồng thời qua quá trình ủ sẽ tiêu diệt các mầm bệnh, nấm mốc… Sau mỗi lứa hái hoặc 45 ngày sẽ sử dụng các chế phẩm vi sinh hữu cơ để làm tơi, xốp và tạo độ mùn cho đất.

Trong quá trình chăm sóc chè phải giải phân theo đường vành khăn, theo tán cây hoặc xẻ rãnh giữa 2 tán cây, kết hợp với xới đất để vùi lấp phân. Chủ động nước tưới, luôn giữ độ ẩm khoảng 70 - 80% sau khi bón phân. Đồng thời sử dụng phân bón lá phun ướt đều lên lá ngay sau mỗi lứa hái để giúp cây hồi phục nhanh, phát triển mạnh, ra cành, ra lá mới…

Ngoài ra phải tuân thủ các yêu cầu như xới cỏ đảm bảo cỏ sạch quanh năm trên hàng chè, không sử dụng thuốc trừ cỏ; riêng chè 1 tuổi cần nhổ cỏ bằng tay để bảo vệ cây chè. Phòng trừ sâu, bệnh hại chè bằng biện pháp tổng hợp. Dùng các loại thảo mộc phù hợp để xua đuổi các loại sâu, côn trùng gây hại… không sử dụng thuốc trừ sâu hóa chất. Qua theo dõi kết quả cho thấy có xuất hiện các loại nhện đỏ, bọ xít muỗi, rầy xanh, bọ cánh tơ… Tuy nhiên, cán bộ kỹ thuật đã chỉ đạo phun thuốc kịp thời và không để ảnh hưởng đến năng suất.

Hiện nay chè đang ở giai đoạn chuyển đổi sang hữu cơ, năng suất chè búp tươi chỉ đạt 5,6 tấn/ha, thấp hơn chè thông thường; nhưng sản xuất chè hữu cơ còn thu cả lá bánh tẻ, lá già và các bộ phận cây chè tạo ra nhiều dòng sản phẩm khác nhau vì vậy giá trị kinh tế không thấp hơn so với sản xuất thông thường. Hơn nữa Công Ty Cổ phần Ntea Thái Nguyên cam kết thu mua mỗi kg chè hữu cơ tươi với giá 50 nghìn đồng, trong khi mỗi kg chè thông thường tại địa phương chỉ bán được 20 nghìn đồng. Vì vậy mỗi héc ta chè hữu cơ người dân thu lãi 248 triệu đồng, cao hơn mô hình sản xuất chè thông thường tại địa phương 48 triệu đồng.

Theo ông Nguyễn Mạnh Hùng, Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông, hoạt động khuyến nông khuyến cáo nông dân tập trung phát triển sản xuất các sản phẩm nông nghiệp là thế mạnh của tỉnh Thái Nguyên theo hướng nâng cao năng xuất, chất lượng, giá trị gia tăng, hiệu quả và sức cạnh tranh… Mô hình chè hữu cơ triển khai tại xóm Văn Hữu, xã Hóa Thượng, huyện Đồng Hỷ đã đáp ứng yêu cầu, mục tiêu đặt ra liên kết với doanh nghiệp để xây dựng mô hình sản xuất chè hữu cơ, tạo ra sản phẩm sạch, chất lượng. Mô hình đã góp phần thay đổi phương thức canh tác, nâng cao ý thức sản xuất vì cộng đồng cho người nông dân.

Thời gian tới, Trung tâm khuyến nông Thái Nguyên tiếp tục phối hợp với Chi nhánh Công ty CP NTEA Việt Nam tại Thái Nguyên mở rộng mô hình; giúp đỡ các hộ nông dân thành lập tổ hợp tác sản xuất chè hữu cơ, để liên kết với doanh nghiệp trong sản xuất tiêu thụ sản phẩm tới khi được công nhận đạt tiêu chuẩn sản phẩm chè hữu cơ. Đồng thời, nhân rộng mô hình sản xuất chè hữu cơ cũng như xây dựng các mô hình sản xuất lúa, rau hữu cơ trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên.

Dương Trung Kiên

Theo Bản tin KNVN