Mô hình nuôi lợn Móng Cái sinh sản thoát nghèo tại huyện Định Hóa

Thực hiện dự án nhân rộng mô hình nuôi lợn nái Móng Cái sinh sản cho hộ nghèo; năm 2015, Trạm Khuyến nông huyện Định Hóa triển khai mô hình chăn nuôi lợn Móng Cái sinh sản tại 27 hộ nghèo thuộc các xã Phú Tiến và Phú Đình, với quy mô 54 con lợn nái Móng Cái.

Giống lợn Móng Cái có ưu điểm đẻ sai, dễ nuôi, có khả năng chịu đựng kham khổ cũng như sức đề kháng cao, chống chịu bệnh tật tốt; thích hợp với điều kiện nhiều vùng sinh thái chăn nuôi. Hiện nay, ở các địa bàn miền núi lợn nái Móng Cái được nuôi phổ biến, chủ yếu được dùng làm nái nền để lai với lợn đực ngoại như Landrace, Yorkshire… cho sản phẩm con lai F1 nuôi thịt.

 Nhằm hỗ trợ các hộ nghèo được tiếp cận khoa học kỹ thuật về lĩnh vực chăn nuôi lợn nái sinh sản để áp dụng vào quá trình chăn nuôi; các hộ tham gia mô hình được tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật; được hỗ trợ 100% tiền mua lợn giống và thuốc thú y ban đầu. Để mô hình đạt hiệu quả kinh tế cao, Trạm Khuyến nông chỉ đạo cán bộ kỹ thuật thường xuyên kiểm tra, hướng dẫn các hộ thực hiện tốt việc chăm sóc, phòng trừ dịch bệnh cho đàn lợn theo đúng quy trình kỹ thuật chăn nuôi lợn an toàn, đảm bảo vệ sinh môi trường.

Anh Ma Doãn Đại, thôn Đồng Chẩn, xã Phú Đình cho biết, người dân thiếu vốn sản xuất, thiếu kỹ thuật nên lâu nay cái nghèo vẫn đeo bám. Khi được hỗ trợ 2 con lợn nái giống từ dự án gia đình anh rất vui, quyết tâm thực hiện chăn nuôi theo đúng kỹ thuật hướng dẫn để có thu nhập, vươn lên thoát nghèo.

Mô hình được triển khai từ tháng 4 năm 2015; theo nhận xét của cán bộ khuyến nông huyện Định Hóa, qua hơn 1 năm thực hiện, bà con rất tích cực chăm sóc nuôi dưỡng, phòng bệnh, trị bệnh kịp thời. Tất cả lợn nái trong mô hình đều sinh trưởng, phát triển tốt; đến cuối tháng 7/2016 lợn nái trong mô hình đã đẻ được 2 lứa, mỗi lứa từ 10 đến 12 lợn con. Mỗi năm mô hình cung cấp cho địa bàn huyện Định Hóa khoảng 1.200 - 1.300 con lợn giống nuôi thịt.

Hiện nay do thị trường tiêu thụ thuận lợi, giá lợn hơi tăng cao, người dân mạnh dạn tăng đàn nên nhu cầu về lợn giống cũng tăng. Trước đây, người dân nuôi lợn giống khoảng 15 – 20 kg mới xuất bán; gần đây, nhiều người chăn nuôi bán lợn con giống F1 (MC x Ngoại) ngay sau cai sữa (lợn sách tai, khoảng 5 -7 kg/con) với giá bán tại chuồng khoảng 120.000 đồng/kg; nuôi một con lợn nái sau mỗi lứa đẻ người dân thu lãi khoảng 4 - 5 triệu đồng.

Anh Ma Tiến Giáp, thôn Khẩu Đưa, xã Phú Đình cho biết, gia đình đã bán được 4 đàn lợn giống, thu trên 30 triệu đồng. Tiền thu được từ bán lợn giống gia đình anh Giáp sẽ nuôi thêm 01 lợn nái Móng Cái nữa, đồng thời tiếp tục đầu tư vào sản xuất nông nghiệp như trồng chè, cấy lúa… để kiếm thêm thu nhập cho gia đình; sang năm 2017, gia đình anh Ma Tiến Giáp sẽ thoát nghèo.

Dự án đã giúp các hộ nghèo tại huyện Định Hóa có điều kiện phát triển chăn nuôi, tạo thêm việc làm, nâng cao thu nhập; dần có cuộc sống ấm no, ổn định. Đồng thời, giải quyết phần nào về lợn giống cho chăn nuôi lợn thịt tại địa phương. Theo ông Đào Phương Tuấn, Phó tưởng Trạm Khuyến nông huyện Định Hóa, việc hỗ trợ người dân phát triển chăn nuôi lợn Móng Cái sinh sản là một trong những biện pháp xoá đói giảm nghèo hiệu quả, bền vững. Năm 2016, Trạm Khuyến nông tiếp tục mở rộng dự án, hỗ trợ 28 con lợn nái Móng Cái cho 14 hộ nghèo tại xã Kim Phượng, huyện Định Hóa./.

Dương Trung Kiên

Trung tâm Khuyến nông Thái Nguyên